Theo Sputnik, các kỹ sư của Trung tâm Tên lửa Quốc gia mang tên Makeyev đã xác định kế hoạch phát triển tên lửa đẩy một kỳ sử dụng nhiều lần mang tên Korona.
"Đã tiến hành nghiên cứu các luận chứng kỹ thuật-kinh tế khả thi và hoạch định lịch trình hiệu quả để sáng chế tên lửa đẩy một kỳ sử dụng nhiều lần. Đã nghiên cứu những điều kiện cần thiết cho công trình này, phân tích triển vọng và kết quả của sáng chế cũng như vận hành các phương tiện mang", Sputnik cho biết.
Đặc biệt, các vật liệu xây dựng cơ bản của Korona sẽ là sợi carbon tổng hợp. Tên lửa sử dụng hydro và oxy làm nhiên liệu, có thể mang trọng tải từ 7 tấn đến 12 tấn. Thời gian để chuẩn bị tên lửa mới cho cuộc phóng đã được rút ngắn đến 1 ngày đêm nhờ sử dụng thiết bị phóng đơn giản hóa.
Theo quan điểm của Makeyev, tên lửa Korona cũng có thể được sử dụng phục vụ lợi ích của các chuyến bay vũ trụ có người lái, xây dựng các Trạm module không gian và dành để đưa hàng cho trạm ISS. Điều khá đặc biệt là chương Công trình sáng chế Korona được Trung tâm Tên lửa Quốc gia tiến hành từ năm 1992-2012, nhưng phải đình chỉ do thiếu kinh phí.
Dù Korona được Nga tiến hành gần như cùng thời điểm với chương trình Falcon 9 của Mỹ tuy nhiên, SpaceX nhà sản xuất của Falcon 9 đã chứng minh được sức mạnh trước chương trình đang còn trong giai đoạn nghiên cứu của Nga.
Cụ thể, trong khi tên lửa Korona có thể mang theo tải trọng 7 - 12 tấn hàng hóa thì Falcon 9 gây ấn tượng hơn nhiều bởi trọng lượng hàng hóa nó mang theo có thể lên tới 25 tấn.
Ngoài lợi thế về tải trọng, Mỹ còn chiếm lợi thế khi đã thử nghiệm thành công tới hàng chục lần trong khi hiên nay, Korona mới được nhà sản xuất Nga tải khởi động và hiện vẫn chưa có thời điểm chương trình này tiến hành thử nghiệm đầu tiên.
Dù bị coi là kẻ đến sau trong việc tạo ra tên lửa tái sử dụng lên vũ trụ nhưng Nga và Ấn Độ đang khiến cả thế giới bất ngờ bằng chương trình tạo ra loại động cơ dùng cho tên lửa tấn công có thể tái sử dụng nhiều lần.
Ngày 20/1, báo Tribune Ấn Độ đăng tải thông tin cho biết, công ty BrahMos Aerospace đang tiến hành phát triển những phiên bản mới của tên lửa siêu thanh BrahMos, tên lửa đẩy có thể được sử dụng để phóng đạn nhiều lần.
Giám đốc điều hành liên doanh Nga-Ấn Độ BrahMos Aerospace, ông Sudhir Kumar Mishra cho biết trong buổi phỏng vấn với báo giới Ấn Độ, trong những năm tới có thể xuất hiện loại tên lửa siêu âm "boomerang", có khả năng mang một đầu đạn đến mục tiêu và sau đó quay trở lại vị trí phóng hoặc hạ xuống một điểm nhất định theo chương trình lập sẵn để có thể tái sử dụng.
Theo vị đại diện này, tên lửa tái sử dụng BrahMos có thể đạt tốc độ lên đến Mach 10. "Đây sẽ là một công nghệ rất khó khăn, nhưng với những thành tựu của các nhà khoa học Ấn Độ, dự án này hoàn toàn khả thi", ông Mishra cho biết.
Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)