Báo cáo dày 6.000 trang về cuộc tấn công và chiếm đóng Iraq của Sir John Chilcot cuối cùng cũng được công bố hôm 6/7, hé lộ những sai lầm tày trời.
Cuộc điều tra kéo dài 7 năm, tiêu tốn 13 triệu USD và mất 2,6 triệu từ để làm rõ các câu hỏi liệu Anh tham gia cuộc chiến Iraq có đúng và cần thiết hay không? Liệu Anh đã lường trước được những gì sẽ diễn ra sau đó hay chưa?.
Báo cáo của Sir John Chilcot chính là phán quyết đối với quyết định tham gia cuộc tấn công Iraq với Mỹ của Thủ tướng thời kỳ đó là Tony Blair.
Theo Guardian và RT, những thông tin chủ chốt trong báo cáo bao gồm:
Hành động quân sự không phải là giải pháp cuối cùng
Anh chọn tham gia cuộc chiến Iraq vào năm 2003, dù các giải pháp hòa bình để giải giáp vũ khí chưa phải đã cạn kiệt và hành động quân sự "không phải giải pháp cuối cùng", báo cáo của Chilcot cho thấy.
Cũng theo báo cáo, không có mối đe dọa sắp xảy ra nào từ Saddam Hussein vào năm 2003. "Việc can thiệp quân sự là cần thiết vào một số thời điểm, song vào tháng 3/2003 thì không có đe dọa nào từ phía Saddam Hussein".
Phóng đại mối nguy ở Iraq
Báo cáo cho hay, Thủ tướng Anh thời điểm đó là Tony Blair "cố tình phóng đại" mối đe dọa mà chính quyền Iraq đặt ra, khi ông tìm cách dựng chuyện để các nghị sĩ và công chúng Anh ủng hộ can thiệp quân sự vào Iraq.
Lúc đó, Thủ tướng Anh đã không đếm xỉa tới các cảnh báo về những hậu quả có thể phát sinh từ một hành động quân sự và dựa dẫm quá nhiều vào niềm tin cá nhân, Chilcot nói.
Tháng 7/2002, hơn 6 tháng trước khi cuộc tấn công Iraq diễn ra, Thủ tướng Anh Blair đã viết thư cho Tổng thống Mỹ thời đó là George Bush, cam kết rằng Anh sẽ ở bên lãnh đạo Nhà Trắng này "bất kể điều gì xảy ra".
Theo ông Chilcot, Anh đáng ra không nên thể theo ý nguyện của Mỹ khi lợi ích và nhận định của Anh không tương đồng với Mỹ.
Anh làm suy yếu Hội đồng Bảo an
Theo báo cáo của Chilcot, ông Blair đã thúc giục Tổng thống Mỹ đưa vấn đề Iraq lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2002.
Nghị quyết số 1441 được Hội đồng Bảo an thông qua, ghi rõ bất cứ hành động vi phạm nào của Iraq phải báo cáo lên hội đồng. Tuy nhiên, tháng 12/2002, ông Bush quyết định, các thanh tra vũ khí Liên Hợp Quốc sẽ không đưa ra được những kết quả mong muốn.
Bush đồng ý thúc đẩy Liên Hợp Quốc đưa ra nghị quyết thứ hai về Iraq, song tới ngày 12/3/2003, vấn đề này không được Hội đồng Bảo an ủng hộ. Đa phần các thành viên trong hội đồng đều thấy rằng, các giải pháp hòa bình chưa phải đã hết.
Blair chấp thuận lịch trình tấn công do Mỹ đưa ra vào giữa tháng 3/2003, trong khi đó lại cùng lúc chỉ trích Pháp vì không ủng hộ nghị quyết thứ hai của Liên Hợp Quốc, vốn phê chuẩn một hành động quân sự chống Iraq.
"Dù không được đa số ủng hộ tấn công, song trên thực tế cuộc chiến vẫn diễn ra và chúng tôi coi là Anh đã làm suy yếu uy quyền của Hội đồng Bảo an", báo cáo cho hay.
Không chắc chắn về sự tồn tại vũ khí hủy diệt của Iraq
Báo cáo của Chilcot cho hay, mức độ trầm trọng mà mối đe dọa phát sinh từ "vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq" gây ra vẫn được đưa ra như một bằng chứng, dù chưa thể khẳng định rõ việc đó.
Như vậy, hiện đã rõ, chính sách về Iraq được đưa ra dựa trên "những thông tin tình báo và các đánh giá chưa hoàn thiện". Ngoài ra, quyết định đánh Iraq là một trong số những trường hợp được coi là "vấn đề quan trọng mà nội các đáng ra phải cân nhắc, nhưng lại không được xem xét kỹ".
Anh đáng lý phải biết hậu quả chiến tranh
Báo cáo của Chilcot còn nêu rõ, kế hoạch Iraq thời hậu Saddam là không đầy đủ. "Dù có những cảnh báo rõ ràng song hậu quả cuộc chiến vẫn bị đánh giá thấp. Việc lên kế hoạch và chuẩn bị cho Iraq thời hậu Saddam là hoàn toàn không thích đáng". Và rằng, cuộc nổi dậy ở Iraq là hoàn toàn đoán trước được.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)