Dù vậy, thế giới vẫn có nhiều lí do để hy vọng về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu gian nan. Dưới đây là 5 thành tựu môi trường nổi bật trong năm 2021, theo Tạp chí National Geographic.
Đẩy lùi nhiên liệu hóa thạch
Khi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Scotland kết thúc vào tháng 11-2021, Mỹ và Trung Quốc bất ngờ cam kết hợp tác để đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015, tức nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ này chỉ tăng từ 1,5-2 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nước tham dự COP26 cũng đồng ý giảm sử dụng than đá và hơn 100 quốc gia cam kết giảm 30% lượng phát thải methane đến năm 2030.
Ngoài khuôn khổ của COP26, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hủy bỏ dự án đường ống Keystone XL gây tranh cãi, đồng thời đình chỉ hợp đồng thuê khoan dầu ở Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực.
Nhằm cắt giảm khí thải, chính quyền Tổng thống Biden còn lên kế hoạch tạo ra 30 gigawatt (GW) điện gió ngoài khơi đến năm 2030, cũng như cắt giảm 60% chi phí năng lượng mặt trời trong thập kỷ tới nhằm hướng đến mục tiêu chỉ sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện đến năm 2035. Ông chủ Nhà Trắng cũng đã ký sắc lệnh yêu cầu 50% xe hơi mới bán ra đến năm 2030 phải là xe điện.
Trên toàn thế giới, năng lượng tái tạo được sử dụng trong năm 2021 tăng khoảng 8% - mức tăng hằng năm nhanh nhất kể từ những năm 1970.
Tại Hà Lan, tòa án yêu cầu Tập đoàn Royal Dutch Shell giảm 45% lượng khí phát thải đến năm 2030, so với thời điểm 2019 – phán quyết được mô tả là "một bước ngoặt trong lịch sử".
Giải quyết ô nhiễm nhựa
Năm 2021 chứng kiến hàng loạt sắc lệnh được ký ban hành nhằm giảm thiểu lượng nhựa thải ra môi trường.
Tại bang Washington của Mỹ, Thống đốc Jay Inslee ban hành lệnh cấm sử dụng các sản phẩm polystyrene như thùng xốp; yêu cầu nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, tiệm tạp hóa... chỉ sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần phục vụ khách hàng khi được yêu cầu.
Tương tự, bang California cũng thông qua nhiều dự luật nhằm bảo vệ môi trường khỏi tác động của rác thải nhựa, trong đó có lệnh cấm các công ty sử dụng cụm từ hoặc biểu tượng có thể tái chế trên sản phẩm khi chưa chứng minh được chúng thực sự có thể tái chế được.
Trong một tuyên bố vào tháng 11-2021, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken thông báo Washington sẽ ủng hộ một hiệp ước toàn cầu nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa, dự kiến được bắt đầu thảo luận chính thức vào tháng 2 năm nay.
Sự ủng hộ của Mỹ là cần thiết, đặc biệt khi họ là quốc gia xả thải nhựa nhiều nhất thế giới, nhiều hơn so với tổng nhựa phát thải của cả Liên minh châu Âu (EU).
Cuối năm ngoái, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ đã hối thúc quốc gia này phát triển chiến lược giải quyết ô nhiễm nhựa, trong đó có giới hạn quốc gia về sản xuất nhựa nguyên sinh.
Bảo vệ rừng
Tại COP26, hơn 100 nước cam kết chấm dứt nạn phá rừng đến năm 2030, trong đó có khoản đóng góp 12 tỉ USD nhằm hỗ trợ sử dụng bền vững rừng và đất đai. Đến thời điểm hiện tại, đây là cam kết mạnh mẽ nhất đối với nỗ lực bảo vệ rừng.
Trước đó, vào tháng 10, Tổng thống Cộng hòa Congo Felix Tshisekedi đã ra lệnh rà soát hoạt động khai thác gỗ ở quốc gia này, đồng thời yêu cầu ngừng toàn bộ "hợp đồng đáng nghi" cho đến khi hoạt động rà soát kết thúc. Vài tuần sau đó, chính phủ nước này đảo ngược kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm cấp giấy phép khai thác mới ở Rừng lưu vực Congo.
"Chúng tôi không muốn có thêm bất kỳ hợp đồng nào với những đối tác từng đến chặt phá rừng dã man. Congo sẽ hủy bỏ những hợp đồng như vậy" – Bộ trưởng Môi trường Eve Bazaiba tuyên bố.
Tại Ecuador, Tòa án Tối cao tuyên bố kế hoạch khai thác khoáng sản tại Khu bảo tồn Los Cedros sẽ tác động xấu đến đa dạng sinh học và vi phạm hiến pháp Ecuador. Phán quyết này đồng nghĩa toàn bộ hợp đồng và giấy phép khai thác khoáng sản bị hủy bỏ.
Khôi phục môi trường sống
Trong năm đầu cầm quyền, chính quyền Tổng thống Biden triển khai nhiều động thái nhằm khôi phục môi trường sống, bao gồm nỗ lực bảo vệ hơn 1 triệu hecta rừng già ở Tây Bắc Thái Bình Dương.
Tổng thống Biden còn đảo ngược nỗ lực nhằm làm suy yếu Hiệp ước chim di cư của chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump.
Quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Trump về việc cho phép khai khoáng tại hơn 4 triệu hecta diện tích đất, chủ yếu ở các bang Nevada và Idaho, cũng đã bị tòa án đảo ngược.
Vào tháng 5-2021, chính quyền Tổng thống Biden còn công bố sáng kiến "Nước Mỹ tươi đẹp" nhằm đạt được mục tiêu bảo tồn 30% đất đai và đại dương của Mỹ đến năm 2030.
Đến tháng 11-2021, Colombia cũng cam kết bảo vệ 30% đất đai của họ đến năm 2022. Panama cũng triển khai nhiều bước đi đáng chú ý để hướng đến mục tiêu tương tự bằng việc tăng gấp 3 lần diện tích của Khu bảo tồn Cordillera de Coiba. Cũng trong tháng 11-2021, Bồ Đào Nha thành lập khu bảo tồn biển lớn nhất châu Âu.
Bảo vệ động vật hoang dã
Số lượng của nhiều loài động vật đã gia tăng nhờ các biện pháp bảo vệ. Vào tháng 7-2021, Trung Quốc thông báo gấu trúc lớn (biểu tượng của Quỹ Bảo tốn Thiên nhiên thế giới – WWF) không còn tên trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng.
Trung Quốc còn tuyên bố thành lập Công viên Quốc gia Gấu trúc lớn, một phần trong hệ thống công viên có tổng diện tích gần bằng nước Anh nhằm bảo vệ các loài bản địa như hổ Đông Bắc Trung Quốc, báo Siberia và vượn đen Hải Nam.
Cá voi lưng gù cũng đang gia tăng số lượng ở nhiều khu vực, trong đó có Nam Đại Tây Dương và Úc - nơi chính phủ đang cân nhắc loại chúng khỏi danh sách có nguy cơ tuyệt chủng.
Trong khi đó, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho biết nhiều loài cá ngừ cũng đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng dù từng nằm trong danh sách bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)