5 giờ sáng 30/4, tại khu vực quân sự Sân bay Tân Sơn Nhất, hai tổ bay trực thăng Mi 8, Mi 171 gồm phi công, lái phụ dẫn đường, cơ giới trên không ngồi sẵn trên máy bay, xe điện đã cắm, hệ thống thông tin trên máy bay đã mở, chờ lệnh cất cánh. Tổ bay phải ăn nghỉ ngay tại chỗ, cả ngày lẫn đêm trong suốt hai ngày diễn ra lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Đây là hai tổ bay trực cấp 1, do đại tá phi công Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng và thượng tá phi công Đỗ Thanh Hồng, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng làm cơ trưởng. Ba trực thăng khác cũng sẵn sàng chờ lệnh điều động khi cần. Thượng tá Đỗ Thanh Hồng cho biết, nhiệm vụ của đơn vị trực sẵn sàng chiến đấu rất đa dạng: cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu, chở đoàn công tác, chở quân, chống khủng bố, bạo loạn… Đây chỉ là một trong những nhiệm vụ đột xuất, đặc biệt của những người lính Trung đoàn Không quân 917 thực hiện trong suốt chiều dài 40 năm thành lập.
|
Trực thăng tập trận đổ quân đánh chiếm mục tiêu. |
Những chuyến chuyên cơ chở đoàn công tác cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội đi thăm, làm việc, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, thị sát tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo, nhà giàn, đặc biệt là Quần đảo Trường Sa thường để lại dấu ấn khó quên đối với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Không quân 917. Dù có những đơn vị trực thăng khác, nhưng hầu như các vị lãnh đạo cao cấp nhất đều từng sử dụng trực thăng quân đội làm phương tiện di chuyển đến những khu vực khó sử dụng các phương tiện khác. Năm 2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bay ra đảo Phú Quý bằng trực thăng của Trung đoàn. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng hay sử dụng trực thăng chuyên cơ để chỉ đạo cứu trợ nạn nhân thiên tai.
|
Chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia
|
Nhưng vị lãnh đạo cấp cao bay cùng trực thăng chuyên cơ nhiều nhất là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông để lại nhiều kỷ niệm đẹp với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bởi tác phong mộc mạc, thoải mái, dễ gần. Đại tá Trần Văn Quang chia sẻ: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi nhiều nên gần như nhớ mặt, biết tên hết thành viên tổ bay chuyên cơ.
Tiêu chuẩn chọn phi công lái trực thăng chuyên cơ rất ngặt nghèo, trong đó đạo đức, bản lĩnh, tin cậy, trình độ chuyên môn là những yếu tố được xét đến đầu tiên. Trực thăng phải chưa qua đại tu, việc kiểm tra xăng dầu, máy móc, thiết bị, bay thử, niêm phong, kẹp chì, bảo vệ…đều phải áp dụng mức nghiêm ngặt nhất.
Trung đoàn thường xuyên duy trì các tổ bay chuyên cơ, lái chính đều là những phi công giỏi, nhiều kinh nghiệm, là những sĩ quan chỉ huy và thầy dạy nhiều thế hệ phi công, trong đó có những người hiện là cán bộ chỉ huy của trung đoàn. Khi được phóng viên báo Tiền Phong hỏi: Là người thường xuyên chở các nguyên thủ quốc gia, cảm xúc của anh thế nào? Đại tá phi công Trần Văn Quang tâm sự: “Như những người lính khác, trước hết tôi rất vinh dự, tự hào. Mặt khác tôi thấy đây là trách nhiệm to lớn, nên tự nhắc nhở mình và tổ bay phải tập trung cao nhất vào nhiệm vụ để điều khiển, tính toán đường bay, sử dụng kỹ năng bay sao cho thật chuẩn xác để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho chuyến bay.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay, chúc tổ bay trực thăng chuyên cơ hoàn thành nhiệm vụ. |
Những chuyến bay phức tạp
Thượng tá phi công Ngô Vi Sơn, Chủ nhiệm bay, nhớ lại lần cùng đồng đội tham gia đội hình 10 chiếc trực thăng bay treo cờ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Dịp này trung đoàn đưa phần lớn lực lượng gồm máy bay, phi công, tổ bay, nhân viên, bay nhiều chặng từ Sân bay Tân Sơn Nhất ra Sân bay Hòa Lạc, Sơn Tây, bay huấn luyện, hợp luyện suốt 3 tháng ròng để đúng ngày đại lễ 10/10/2010 cùng các đơn vị bạn thực hiện bay qua Quảng trường Ba Đình mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc và cờ lễ hội. Đây cũng là lần đầu tiên phi công trung đoàn thực hiện bay treo cờ theo đội hình lớn cùng nhiều đơn vị trực thăng cả nước. Cán bộ, chiến sĩ trung đoàn rất tự hào khi cả 5 máy bay của trung đoàn được chọn bay đội hình treo cờ.
Những lần cứu hộ biển, đảo xa, tìm kiếm máy bay MH 370 của Malaysia mất tích trên biển Đông năm 2014 và mới nhất là tìm kiếm đồng đội bị nạn trên biển gần đây đều là những chuyến bay phức tạp. Thượng tá phi công Nguyễn Quốc Long, Chính ủy Trung đoàn cho biết, bay biển xa không chỉ khó do địa hình phức tạp, trên biển mà còn vì thời gian bay liên tục, kéo dài. Đợt tìm kiếm máy bay MH 370 của Malaysia bị nạn, các phi công trung đoàn có ngày bay liên tục nhiều chuyến trên biển trong khu vực hàng trăm cây số vuông. Có những lần bay gần hết dầu, trở về hạ cánh tiếp dầu rồi lại tiếp tục làm nhiệm vụ.
Đại tá Trần Văn Quang chia sẻ về những khó khăn, thậm chí căng thẳng, nguy hiểm của nhiệm vụ bay tìm kiếm trên biển: “Làm nhiệm vụ thì phi công bay bất kể thời tiết, đêm tối. Bay tìm kiếm thường phải bay tốc độ nhỏ, độ cao thấp, nhiều giờ, chia sẻ độ cao với các loại máy bay khác, trong vụ tìm kiếm MH 370 thì không chỉ máy bay của Việt Nam mà còn máy bay của nhiều nước trong khu vực. Thường phi công bay ở độ cao 100-150m trên mặt biển, nhưng khi phát hiện dấu tích nghi ngờ, phải hạ độ cao xuống còn 30-40m để xác định rõ. Tốc độ bay có khi đạt mức tối thiểu 100-120km/giờ, có lúc treo trên biển, tốc độ bằng không. Trên biển không có vật chuẩn, ảnh hưởng của gió, mưa, phi công rất khó xác định hướng, vị trí, nhất là mặt biển, bầu trời”.
Vậy mà suốt mấy chục năm qua, những người lính Trung đoàn Không quân 917 vẫn không quản gió mưa, thậm chí sẵn sàng lao vào chỗ nguy hiểm, có thể hy sinh tính mạng để làm nhiệm vụ. Bởi, đơn giản họ là người lính, lính của đơn vị rất giàu thành tích cả thời chiến lẫn thời bình và vinh dự hai lần được tuyên dương Anh hùng.
Thoát hiểm trong mưa đạn Trong cuộc chiến ác liệt đánh đuổi Khmer Đỏ, những phi công thế hệ đại tá Nguyễn Xuân Trường, nguyên Trung đoàn trưởng, vẫn nhớ về những tổ bay dũng cảm, mưu trí vượt hiểm nguy. Nhiều lần trực thăng bị hỏa lực địch bắn trúng nhiều phát đạn trên không, khi hạ xuống chốt còn bị địch bắn xối xả nhưng tổ bay vẫn bình tĩnh điều khiển máy bay chở cán bộ, hàng hóa, nhu yếu phẩm, đạn dược, cấp cứu thương binh… thoát thần kỳ khỏi hỏa lực địch. Toàn cuộc chiến, trung đoàn xuất kích trên 100 trận với 3.361 lần/chuyến, bắn hàng vạn viên đạn, rốckét các loại, tiêu diệt nhiều xe quân sự, sở chỉ huy, giúp bộ binh truy quét, làm chủ chiến trường. |
Trung đoàn hai lần anh hùng Từ ngày đầu thành lập với 24 cán bộ, chiến sĩ cùng vài máy bay UH 1 chiến lợi phẩm thu được trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đến nay sau 40 năm Trung đoàn Không quân 917 đã lớn mạnh, trở thành một trong những đơn vị chủ lực của Sư đoàn Không quân 370.
Các phi công trung đoàn đã bay khắp các chiến trường với cường độ cao, tham gia những trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam, Khmer Đỏ, chiến tranh biên giới phía Bắc. Thời bình, ngoài nhiệm vụ trực chiến, bay trinh sát, bay tuần tiễu, lực lượng trực thăng bay thăm dò, khai thác dầu khí, bay cấp cứu người trong bão lũ, thiên tai, bay múc nước dập lửa... Trung đoàn Không quân 917 hai lần vinh dự được tuyên dương Đơn vị Anh hùng (năm 1981, 1989). |
Theo Trường Điền (Tiền Phong)