Từng là hoàng cung nguy nga, cũng là nơi ở của các Hoàng đế triều đại nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc, Tử Cấm Thành giờ đây được gọi bằng cái tên Cố cung, mở cửa cho du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Cố cung hiện lưu trữ số lượng lớn các di tích, cổ vật văn hóa, nhờ đó mọi người có thể nhìn lại một phần quá khứ đã qua, hiểu thêm về những sự kiện đã xảy ra trong cung cấm của triều đại trước.
Thế nhưng ngay cả khi trở thành địa điểm phục vụ du lịch, Cố cung cũng không mở cửa hoàn toàn cho khách tham quan. Một số cung điện bị khóa cửa kín mít quanh năm, trông rất bí ẩn, gây tò mò cho những ai đi ngang qua.
Xem phim "cung đấu" lấy chất liệu thời nhà Thanh, nhiều người rất quen thuộc với "lãnh cung", nơi phi tần bị nhốt vào sau khi bị thất sủng, Hoàng đế hạ lệnh trừng phạt. Thế nhưng khi đến Cố cung tham quan, du khách không thể tìm thấy lãnh cung, hỏi nhân viên cũng không thể nhận được câu trả lời rõ ràng.
Sự thật về lãnh cung
Nếu tìm hiểu kỹ càng lịch sử triều đại Minh-Thanh ở Trung Quốc, đặc biệt là nhà Thanh, bạn sẽ phát hiện một điều, lãnh cung không phải là một tẩm cung cố định, mà tùy thuộc vào phán xét của Hoàng đế khi quyết định "nhốt phi tần vào lãnh cung".
"Lãnh cung", hiểu trên mặt chữ, là cung điện lạnh lẽo, không phải lạnh vì thời tiết, mà là sự lạnh lẽo của lòng người, ít hơi ấm con người, bị ghẻ lạnh và xa lánh.
Khi ra phán quyết với một phi tần phạm tội nào đó, Hoàng đế sẽ quyết định họ bị nhốt trong cung nào thì nơi đó trở thành lãnh cung. Có khi lãnh cung cũng chính là cung điện mà phi tần đó đang ở, có khi lại là cung điện bỏ hoang, ít người lui tới trong Tử Cấm Thành.
Đây chính là lý do chính mà du khách vào Cố cung không thể tìm thấy lãnh cung. Bởi lẽ ngay cả ghi chép lịch sử cũng ít thể hiện thông tin về một lãnh cung cố định.
Bí mật lãnh cung qua lời kể của Phổ Nghi
Du khách vào Cố cung có thể bắt gặp một vài cung điện bị khóa cửa, quanh năm không ai ra vào, đổ nát cũ kỹ, không khí ảm đạm, thậm chí còn khiến nhiều người cảm thấy rùng mình. Theo nhiều thông tin, những cung điện bỏ hoang này cũng có thể là lãnh cung thời xưa.
Trong cuốn "Nửa đời trước của tôi" được Phổ Nghi, Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, viết trong những năm cuối đời có thể hiện nhiều thông tin về lãnh cung. Từ đó chúng ta cũng có thể hiểu vì sao những cung điện kia lại bị khóa kín như vậy.
Phổ Nghi viết rằng, lãnh cung là nơi cực kỳ không cát tường đối với Hoàng đế phong kiến, đặc biệt là lãnh cung từng phát sinh ra chuyện phi tần bị phế truất sau đó tự vẫn. Do đó, lãnh cung này gần như trở thành một sự tồn tại mờ nhạt bên trong Tử Cấm Thành, triều đình không thèm quan tâm đến việc tu sửa trang hoàng. Cứ như thế, năm này qua tháng nọ, lãnh cung hoang tàn, tiêu điều lúc nào không hay.
Về sau, quốc khố nhà Thanh gần như khánh kiệt, còn không đủ chi phí để duy trì các cung điện quan trọng, chứ đừng nói đến việc tu sửa lại những cung điện đã bị bỏ rơi kia.
Đến thời nay, khi Tử Cấm Thành trở thành địa điểm du lịch, thì số tiền bỏ ra cho việc tu sửa cũng không hề nhỏ. Hơn nữa, lãnh cung vốn là nơi "tự sinh tự diệt" của những phi tần bị đày vào, vô cùng đơn giản, thô sơ, ít có giá trị lịch sử, nếu có sửa lại thì cũng không nên mở cửa cho khách tham quan vì "điềm xui xẻo, không may mắn" theo quan niệm của người Trung Quốc.
Do đó, khóa cửa và đặt biển thông báo không phục vụ tham quan trước những cung điện hoang tàn này là biện pháp tối ưu nhất.
Nguồn: Sohu
Theo Trung Hạ (Phụ Nữ Số)