Tử Cấm Thành là cung điện hoàng gia tráng lệ nổi tiếng lịch sử Trung Quốc. Nơi đây gắn liền với lịch sử thăng trầm của nhà Minh và nhà Thanh. Theo đó, nhiều bí ẩn về Tử Cấm Thành khiến công chúng tò mò. Đáng chú ý là việc nhiều phi tần sợ hãi, không dám ở Khôn Ninh cung.
Khôn Ninh cung bên trong Tử Cấm Thành được xây dựng vào năm 1420 (năm Vĩnh Lạc thứ 18 triều Minh) với mục đích làm nơi ở cho các hoàng hậu.
Theo các chuyên gia, chữ "Khôn Ninh" trong Khôn Ninh cung được lấy từ địa thế Khôn của quẻ "Khôn" trong "Chu dịch", mang ý nghĩa quân tử dùng đức dày để nâng đỡ vạn vật.
Thêm nữa, "Đạo Đức Kinh" có viết: "Trời hợp nhất sẽ thanh trong, đất hợp nhất sẽ an ninh". Do vậy, chữ "Khôn Ninh" mang ý nghĩa "Khôn địa ninh định" (tức đây là nơi đất đai an ổn, thanh trong).
Thế nhưng, trái với ý nghĩa tốt đẹp trên, Khôn Ninh cung trở thành "tử địa" đối với nhiều hoàng hậu. Bởi lẽ, hầu hết các hoàng hậu của nhà Minh và nhà Thanh sống ở cung điện này đều không có kết cục tốt đẹp.
Trong số này, một số hoàng hậu qua đời vì bệnh tật, u buồn, uất hận. Ngoài ra, một vài trường hợp quyết định tự sát tại Khôn Ninh cung.
Việc nhiều hoàng hậu có kết cục bi kịch khi sống ở Khôn Ninh cung khiến cung điện này được xem là "tử địa" đối với các vương hậu. Do đó, nhiều phi tần không dám ở Khôn Ninh cung vì sợ sẽ có kết cục bi kịch.
Đến thời vua Ung Chính, Khôn Ninh cung không còn là nơi ở của hoàng hậu. Vị hoàng đế nhà Thanh này quyết định để các phi tần chuyển đến sống ở Viên Minh viên - công trình gồm các tòa cung điện và vườn cây của hoàng tộc nhà Thanh, cách Tử Cấm Thành khoảng 8 km.
Từ đó về sau, Khôn Ninh cung chủ yếu được sử dụng làm nơi thực hiện các nghi lễ cúng tế quan trọng của hoàng tộc.
Vậy nên, theo thời gian, cung điện này dần trở nên vắng vẻ, lạnh lẽo, ít người lui tới.
Theo Tâm Anh (Kienthuc.net.vn)