Ngày 16/8 này, Tòa Thượng thẩm Shah Alam sẽ công bố phán quyết cuối cùng dành cho Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah.
Những cô gái chỉ mới đôi mươi này bị tình nghi ám sát Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur gần 550 ngày trước đó.
Vụ án mạng đã làm rúng động truyền thông quốc tế bởi mức độ tinh vi, những hệ lụy chính trị dây chuyền sau đó và các bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Kim Chol hay Kim Jong Nam?
Lúc 8h59 ngày 13/2/2017, một người đàn ông mang hộ chiếu Triều Tiên với tên "Kim Chol" đã tử vong khi đang được chuyển từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur đến bệnh viện. Khoảng 15 phút trước đó, người này cầu cứu các nhân viên an ninh sân bay trong tình trạng suy hô hấp cấp sau khi bị 2 phụ nữ bôi dung dịch lạ lên mặt.
Theo Reuters, giới chức sân bay ban đầu thông báo nhầm cho đại sứ quán Hàn Quốc. Chỉ 1 ngày sau khi vụ việc xảy ra, truyền thông Hàn Quốc dẫn nhiều nguồn tin tình báo khẳng định người bị sát hại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur chính là người anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Mặc dù kết quả xét nghiệm ADN xác nhận nạn nhân chính là Kim Jong Nam, phía Triều Tiên luôn khẳng định người tử vong tại sân bay Kuala Lumpur là công dân có tên "Kim Chol". Con trai của ông Kim Jong Nam cũng không sang Malaysia để trực tiếp xác định danh tính nạn nhân.
Sau khi thi thể được đưa về Triều Tiên vào tháng 3/2017, Bình Nhưỡng vẫn không xác nhận người tử vong có đúng là con trai cả của cố lãnh đạo Kim Jong Il hay không.
Vắng mặt nghi phạm Triều Tiên
Theo những thông tin điều tra ban đầu, có 7 nghi phạm người Triều Tiên liên quan đến vụ ám sát Kim Jong Nam, trong đó có 1 người là chuyên gia hóa học.
Camera an ninh sân bay cho thấy 4 nghi phạm trực tiếp giám sát phi vụ này đã sớm bắt chuyến bay rời khỏi Kuala Lumpur. Cảnh sát bắt giữ được một nghi phạm người Triều Tiên tên Ri Jong Chol nhưng cũng sớm trả tự do cho người này vì không đủ chứng cứ buộc tội.
Trong vòng 2 tuần sau vụ án mạng, những nghi can Triều Tiên còn lại được cảnh sát thẩm vấn trong đại sứ quán tại Malaysia và nhanh chóng xuất cảnh về nước.
Chỉ có duy nhất 2 nghi phạm bị bắt giữ và đưa ra xét xử là Đoàn Thị Hương, công dân Việt Nam, và Siti Aisyah, công dân Indonesia. Tất cả những nghi phạm người Triều Tiên được cho là chủ mưu dàn dựng phi vụ ám sát Kim Jong Nam đều đã rời khỏi Malaysia.
Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định của chính phủ Malaysia thả các nghi phạm Triều Tiên về nước đã xóa mọi cơ hội để đưa những kẻ thủ ác thực sự ra trước ánh sáng công lý.
Từ đối đầu ngoại giao đến khủng hoảng con tin
Vụ án mạng ngày 13/2/2017 đã dẫn đến cuộc đối đầu ngoại giao nghiêm trọng nhất trong lịch sử quan hệ Malaysia - Triều Tiên.
Chính phủ của cựu thủ tướng Najib Razak quyết định trục xuất Đại sứ Triều Tiên Kim Chang về nước, sau khi ông này cáo buộc Malaysia "thông đồng với kẻ thù" để bôi nhọ chính quyền và lãnh đạo Triều Tiên.
Triều Tiên đáp trả bằng cách cấm mọi công dân Malaysia xuất cảnh, giữ 9 viên chức ngoại giao Malaysia cùng người thân của họ ở lại. Malaysia và nhiều nước chỉ trích hành động của Triều Tiên không khác gì bắt giữ con tin.
Căng thẳng ngoại giao quanh nghi án ám sát Kim Jong Nam leo thang, trở thành khủng hoảng quốc tế.
Bắc Kinh gián tiếp bày tỏ sự không bằng lòng với Bình Nhưỡng khi chấp nhận tuân thủ các lệnh trừng phạt quốc tế, tuyên bố cấm nhập khẩu than đá từ nước láng giềng. Malaysia cũng ngưng mọi hoạt động thương mại với Triều Tiên, thậm chí lên kế hoạch đóng cửa đại sứ quán nước này tại Kuala Lumpur.
Tuy nhiên, với sức ép của cuộc bầu cử cận kề, chính phủ của ông Najib cuối cùng đã chấp nhận nhượng bộ. Để giải quyết cuộc "khủng hoảng con tin", Malaysia đồng ý để các nghi phạm Triều Tiên xuất cảnh và trao trả thi thể của Kim Jong Nam cho Bình Nhưỡng.
Mức độ tinh vi của chất kịch độc
Đội pháp y của cảnh sát Malaysia tháng 2/2017 tuyên bố đã phát hiện chất độc thần kinh VX trên thi thể nạn nhân. Đây là hợp chất được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) mô tả "mạnh nhất trong mọi loại chất độc thần kinh". Liên Hợp Quốc liệt nó vào nhóm những vũ khí có khả năng hủy diệt hàng loạt.
Trong khi đó, Triều Tiên luôn bác bỏ cáo buộc điệp viên nước này sử dụng chất độc thần kinh, nói đây là âm mưu vu khống. Cựu đại sứ Triều Tiên tại Malaysia khẳng định công dân "Kim Chol" tử vong do nhồi máu cơ tim, chỉ ra rằng không ai khác tại sân bay có triệu chứng nhiễm độc.
Theo chuyên gia hóa học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Vipin Narang, tổ chức đứng sau vụ ám sát có thể đã sử dụng hợp chất VX2. Các nghi phạm được chia hai hợp chất khác nhau để bôi lên mặt nạn nhân. Chỉ khi các chất này phản ứng hóa học thì những độc tính của VX mới phát huy. Giả thuyết này cũng lý giải vì sao cả Hương, Siti và những nhân viên sân bay tiếp xúc đầu tiên với Kim Jong Nam đều không tử vong do nhiễm độc.
Tranh cãi về chứng cứ thiếu thuyết phục
Phía cảnh sát Malaysia cho rằng Hương và Aisyah "hiểu rõ" việc họ làm, chỉ ra bằng chứng cho thấy 2 nữ bị cáo đã luyện tập "ám sát" tại nhiều địa điểm trước đó.
Phía công tố viên cũng cáo buộc 2 nghi phạm ý thức rõ dung dịch được bôi lên tay là chất độc thần kinh VX. Camera an ninh sân bay cho thấy Hương và Aisyah đều chạy vào nhà vệ sinh rửa tay sau khi bôi dung dịch lên mặt nạn nhân.
Tuy nhiên, các luật sư khẳng định thân chủ họ chỉ làm theo yêu cầu của nhóm chủ mưu người Triều Tiên. Cả 2 cô gái đều khẳng định bị các đối tượng chủ mưu đánh lừa, nói rằng họ được trả tiền để quay những đoạn video chơi khăm. Những người tiếp cận Hương và Aisyah đều hứa hẹn sẽ biến họ trở thành ngôi sao truyền hình, đưa họ đến nhiều địa điểm tại Campuchia và Malaysia để diễn tập.
Trong những phiên tranh luận tại tòa Thượng thẩm, các luật sư đã chỉ trích cuộc điều tra của cảnh sát Malaysia "không những cẩu thả mà còn thiên vị", cho rằng phía công tố viên không làm rõ được động cơ trong vụ án mạng và tình tiết vụ án còn nhiều kẽ hở.
Theo Thanh Danh (Tri Thức Trực Tuyến)