Nhiều người lũ lượt rời Nam Phi, bang Mỹ ban bố tình trạng khẩn

27/11/2021 16:20:00

Nhiều quầy thủ tục tại sân bay quốc tế ở thành phố Johannesburg đã chật cứng khách ngay từ hôm 26/11, khi dòng người đổ xô lên các chuyến bay rời Nam Phi do lo ngại biến thể Omicron.

Theo trang tin iNews, hình ảnh tại sân bay quốc tế Johannesburg cho thấy rất đông hành khách, chủ yếu là người phương Tây, ngay từ buổi chiều ngày 26/11 đã đến xếp hàng tại cửa an ninh để chờ lên máy bay về nước sau khi Anh và nhiều quốc gia ban hành lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi.

Nhiều người lũ lượt rời Nam Phi, bang Mỹ ban bố tình trạng khẩn
Hành khách xếp hàng đợi máy bay rời khỏi Nam Phi tại sân bay quốc tế Johannesburg hôm 26/11. Ảnh: AP

"Tôi tới Nam Phi để dự đám cưới người thân, nhưng giờ phải trở về gấp", Warren Coskey, một công dân Ireland đang xếp hàng tại sân bay Johannesburg, chia sẻ. "Tôi có vài người bạn đang trên chuyến bay về Anh đúng lúc lệnh cấm đi lại được ban hành, và họ giờ đang bị kẹt ở Frankfurt. Giới chức sân bay không hiểu chuyện gì đang xảy ra".

"Tôi thực sự rất căng thẳng về chi phí cách ly. Quá nhiều điều bất ổn và đáng lo vào lúc này", Coskey nói tiếp.

Nhiều người lũ lượt rời Nam Phi, bang Mỹ ban bố tình trạng khẩn - 1
Cảnh chờ đợi ở sân bay quốc tế Johannesburg hôm 26/11. Ảnh: AP

Anh Toby Reid, thương nhân 24 tuổi sống tại London (Anh), đang đi du lịch cùng bạn gái ở Nam Phi thì nhận được thông tin Chính phủ Anh ngừng tiếp nhận các chuyến bay từ nước này. Anh Reid cùng bạn gái ngay lập tức tới sân bay Johannesburg, xoay xở và xếp hàng suốt nhiều giờ để có được cặp vé lên 2 chiếc ghế cuối cùng trên chuyến bay đến thành phố Frankfurt (Đức) tối 26/11.

Những hành khách không may mắn khác phải thảo luận nhiều lựa chọn khác ở quầy vé, ngạc nhiên với mức giá phải trả cũng như hành trình bay phức tạp. Dữ liệu các chuyến bay của Google cho thấy, giá vé máy bay từ Nam Phi đến Anh đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 24 giờ qua, từ 9.000 rand (tương đương 553 USD) lên tới 28.000 rand (hơn 1.700 USD), sau khi Anh áp lệnh cấm đi lại kể từ trưa ngày 26/11.

Nhiều người lũ lượt rời Nam Phi, bang Mỹ ban bố tình trạng khẩn - 2
Hành khách xếp hàng ở sân bay quốc tế Johannesburg. Ảnh: AP

Tại sân bay ở Johannesburg, các biển báo hủy chuyến màu đỏ liên tục nhấp nháy bên cạnh các chuyến bay đến London (Anh). Một chuyến bay đến Amsterdam (Hà Lan) đã bị hoãn trong nhiều tiếng đồng hồ sau khi các hành khách bất ngờ bị yêu cầu phải xuất trình xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Ngoài Anh, hàng loạt quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Brazil, cùng 27 nước Liên minh châu Âu (EU), Philippines, Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Jordan, Morocco... đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại với khu vực phía nam châu Phi do lo ngại biến thể Omicron, dù WHO đề nghị không vội đưa ra các động thái này khi chưa có nhiều bằng chứng khoa học về mức độ nguy hiểm của nó.

Bang Mỹ ban bố tình trạng thảm họa khẩn cấp vì Covid-19

Theo hãng thông tấn Reuters, Thống đốc New York Kathy Hochul hôm 26/11 đã tuyên bố "tình trạng thảm họa khẩn cấp" sau khi tỷ lệ mắc và nhập viện vì Covid-19 ở tiểu bang tăng cao.

"Bang New York đang chứng kiến tình trạng lây nhiễm Covid-19 với tốc độ chưa từng thấy từ tháng 4/2020. Tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 cũng tăng cao trong tháng qua, với hơn 300 ca nhiễm/ngày. Vì vậy, các biện pháp đồng bộ cần được tiến hành để giúp bệnh viện không bị quá tải", Thống đốc New York viết trong sắc lệnh ban bố tình trạng thảm họa khẩn cấp được công bố ngày 26/11.

Nhiều người lũ lượt rời Nam Phi, bang Mỹ ban bố tình trạng khẩn - 3
Thống đốc bang New York Kathy Hochul trong một cuộc họp báo hồi tháng 8. Ảnh: Reuters

Trước đó, trang Bloomberg đưa tin tại New York, các khu vực ngoại ô đang có tỷ lệ dương tính với virus corona lên tới hơn 8%. Giới chức tiểu bang đã phải mở lại 13 điểm tiêm chủng đại trà và 200 địa điểm khác để tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân.

Mỹ đã ghi nhận trung bình hơn 1.000 ca tử vong/ngày bởi Covid-19 trong hơn 3 tháng qua. Theo dữ liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, tại 15 tiểu bang, số bệnh nhân được xác nhận hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 bị đưa vào các đơn vị chăm sóc chuyên sâu (ICU) đang nhiều hơn so với trước đó 1 năm.

Theo thống kê của Our World In Data, hiện khoảng 195 triệu người, tương đương 59% dân số Mỹ, đã được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 19/11 đã phê duyệt liều bổ sung vắc xin Covid-19 của Pfizer và Moderna cho tất cả đối tượng trên 18 tuổi.

Theo Việt Anh (VietNamNet)