Ngoài Omicron, nhóm VOC còn có biến thể Delta đang thống trị toàn cầu cùng các biến thể Alpha, Beta và Gamma.
Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu ở miền Nam châu Phi, và được báo cáo với WHO vào ngày 24/11.
Trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện từ mẫu xét nghiệm thu thập ngày 9/11. Trong những tuần gần đây, số ca bệnh ở Nam Phi tăng mạnh, trùng với thời điểm phát hiện biến thể Omicron. Ngoài Nam Phi, Omicron đã được phát hiện ở Israel; Botswana; Bỉ và Hồng Kông (Trung Quốc).
Các nhà khoa học xác định biến thể này có 32 đột biến ở protein gai, gấp đôi số đột biến ở biến thể Delta. Nhiều đột biến trong số đó có liên quan đến việc tăng khả năng kháng kháng thể, có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Trong khi một số đột biến khác có thể làm cho virus dễ lây lan hơn.
WHO cho biết sẽ mất vài tuần để hoàn thành các nghiên cứu về Omicron. Từ đó, giới khoa học có thể xem xét liệu Omicron có gây ra bất cứ thay đổi nào về khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh hoặc các thay đổi liên quan đến tác dụng của vắc xin, đến hiệu lực xét nghiệm và phương pháp điều trị COVID-19 hay không.
“Biến thể này có một số lượng lớn các đột biến, trong đó có một số đột biến đáng lo ngại,” WHO nhận định. “Bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể này tăng lên so với các VOC khác. Phương pháp chẩn đoán PCR SARS-CoV-2 hiện tại vẫn có thể phát hiện ra biến thể này.”
Trước đó, nhiều quốc gia đã thông báo cấm các chuyến bay từ khu vực Nam Phi với hy vọng làm chậm lại sự lây lan của biến thể Omicron. Thị trường chứng khoán và giá dầu lao dốc do lo ngại biến thể này có thể giáng một đòn nặng nề vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Biến thể Delta, có khả năng lây truyền cao hơn chủng ban đầu, hiện đang chiếm ưu thế áp đảo trên toàn thế giới. Trong số 845.000 trình tự gien được tải lên hệ thống GISAID với các mẫu vật được thu thập trong 60 ngày qua, 99,8% nhiễm biến thể Delta.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)