Theo kế hoạch, tại lễ thoái vị dự kiến bắt đầu từ 17h00 ngày 30/4 theo giờ địa phương với sự tham gia của 300 khách mời, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các thành viên nội các; Thủ tướng Abe sẽ tỏ lòng biết ơn tới Nhật hoàng Akihito, trước khi Nhật hoàng phát biểu trước các đại diện của người dân.
Ngày 1/5, Thái tử Naruhito sẽ đăng quang, tiếp nhận y phục và các vật phẩm tượng trưng cho ngôi vị như gươm báu, trang sức.
Sau lễ đăng quang, tân Nhật Hoàng sẽ gặp gỡ đại diện của người dân lần đầu tiên.
Thủ tướng Abe và phu nhân Akie sẽ chủ trì yến tiệc tối 23/10 đón mừng tân Nhật hoàng. Tại yến tiệc sẽ có biểu diễn văn hóa truyền thống của Nhật Bản, do Nomura Mansai, nghệ sĩ hàng đầu về kịch truyền thống của Nhật Bản, chịu trách nhiệm dàn dựng. Nghệ sĩ Nomura Mansai là người giữ vai trò tổng giám chế lễ khai mạc và bế mạc Olympic và Paralympic Tokyo 2020.
Năm 2016, Nhật Hoàng Akihito đã bày tỏ ý nguyện thoái vị do tuổi cao và sức khỏe không đảm bảo. Tháng 6/2017, Nhật Bản đã ban hành luật có hiệu lực một lần, theo đó Nhật Hoàng Akihito có thể thoái vị và sẽ là hoàng đế đầu tiên ở Nhật Bản thoái vị trong vòng 200 năm qua, và Thái tử Naruhito sẽ kế vị Vua cha.
Nhật Hoàng Akihito lên ngôi năm 1989 sau khi Vua cha là Nhật Hoàng Hirohito băng hà. Trong suốt thời gian trị vì, Nhật Hoàng Akihito luôn được người dân Nhật Bản kính trọng, yêu mến. Dù không nắm quyền lực chính trị, nhưng Nhật Hoàng đóng một vai trò vô cùng quan trọng như một biểu tượng quốc gia, chủ trì tiếp đón nguyên thủ các nước tới Nhật Bản, cũng như thực hiện các chuyến công du nước ngoài thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Nhật Bản.
Theo Đặng Ánh (Vietnam+)