Theo Reuters, thông tin trên được một người con trai của Nhật hoàng Akihito đưa ra nhằm xua tan những lo ngại rằng, vị thế của người kế nhiệm có thể bị ảnh hưởng bởi “cái bóng” quá lớn của Nhật hoàng Akihito. Nhật hoàng có trách nhiệm thực thi các nghi lễ tôn giáo Thần đạo cũng như là người tuyên bố khai mạc các kỳ họp Quốc hội Nhật Bản.
Trong suốt 29 năm trị vì, Nhật hoàng Akihito cũng trực tiếp đến các địa điểm bị thiên tai trên khắp Nhật Bản nhằm vực dậy tinh thần cho các nạn nhân cũng như công du nước ngoài để xoa dịu nỗi đau chiến tranh mà cha ông- Nhật hoàng Hirohito gây ra trong Thế chiến II.
Trước thông tin Nhật hoàng Akihito sẽ thoái vị, nhiều chuyên gia đã viện dẫn việc nhiều Nhật hoàng trước đó ngay cả khi đã từ bỏ ngai vàng vẫn muốn duy trì tầm ảnh hưởng của mình, để bày tỏ lo ngại rằng, vai trò của Thế tử Naruhito sẽ bị tác động.
Liên quan đến vấn đề này, Hoàng tử Akishino- em trai Thế tử Naruhito cho biết: “Nhật hoàng đã có ý định bàn giao lại mọi trách nhiệm cho vị Nhật hoàng tiếp theo. Những lo ngại về việc “cả hai cùng nắm quyền” dù nên được đề cập nhưng tôi có thể khẳng định rằng sẽ không thể xảy ra”.
Trước đó, hồi tháng 6, Nhật Bản đã ra luật tạo điều kiện cho Nhật hoàng Akihito- năm nay đã 84 tuổi- được thoái vị. Tuy nhiên, chi tiết của quá trình này vẫn đang được giới chức Nhật Bản bàn thảo kỹ lưỡng.
Một ủy ban đặc biệt sẽ nhóm họp cùng Nội các Nhật Bản vào ngày mai (1/12) để đưa ra quyết định cuối cùng. Dự kiến, lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito sẽ diễn ra vào năm 2019.
Trước đó, hồi năm 2016, sau khi trải qua ca phẫu thuật tim và phải điều trị ung thư tuyến tiền liệt, Nhật hoàng Akihito cho biết, ông lo ngại tuổi tác của mình sẽ khiến ông khó thực hiện được chức trách của mình.
Hoàng tử Akishino cho biết, ông cũng muốn cha mình được nghỉ ngơi sau khi thoái vị: “Tôi hy vọng rằng Nhật hoàng sẽ dành nhiều thời gian để thư giãn nhất có thể sau khi thoái vị”./.
Theo Trần Khánh (Vov.vn)