Báo cáo dựa trên cuộc điều tra của quốc hội Nhật Bản về luật ưu sinh, có hiệu lực từ năm 1948-1996, cho biết triệt sản là điều kiện để được nhận vào một số cơ sở phúc lợi hoặc để kết hôn.
Luật ưu sinh cho phép triệt sản những người thiểu năng trí tuệ, bệnh tâm thần hoặc rối loạn di truyền để ngăn ngừa các gia đình có thể sinh ra những đứa con "thấp kém", Japan Today đưa tin.
Ngoài ra, theo truyền thông xứ mặt trời mọc, đạo luật cũng nhằm mục đích hạn chế sự gia tăng dân số trong bối cảnh thiếu lương thực ngay sau Thế chiến II và đã được nhất trí thông qua vào thời điểm đó.
Báo cáo vẫn chưa đề cập đến lý do và hoàn cảnh phía sau các ca phẫu thuật mà chỉ bổ sung thêm một số địa phương đã thực hiện các ca phẫu thuật.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Hirokazu Matsuno phát biểu tại một cuộc họp báo rằng chính phủ gửi lời xin lỗi "chân thành và sâu sắc" về việc một số nạn nhân đã phải chịu đựng nỗi đau to lớn do bị cưỡng bức triệt sản vì đạo luật trên.
Ông Hirokazu cũng cho biết thêm rằng chính phủ sẽ nỗ lực hết sức có thể để đảm bảo các cuộc thảo luận của quốc hội về những tồn tại của luật ưu sinh diễn ra suôn sẻ và xem xét cách giải quyết vấn đề.
Vào năm 2019, hơn hai thập kỷ sau khi được sửa đổi trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi thời điểm đó cho rằng luật này mang tính phân biệt đối xử, quốc hội Nhật Bản đã ban hành luật trả tiền bồi thường với mức 3,2 triệu yên (530 triệu đồng) cho mỗi người bị cưỡng bức triệt sản. Các nạn nhân trên khắp xứ hoa anh đào từ đó cũng đã gửi đơn kiện lên chính phủ để được bồi thường nhiều hơn.
Theo báo cáo, 24.993 người đã bị phẫu thuật ở Nhật Bản theo luật ưu sinh. Các nạn nhân nhỏ tuổi nhất là một bé trai và bé gái 9 tuổi, lần lượt bị triệt sản vào đầu những năm 1960 và đầu những năm 1970.
Báo cáo cho biết lý do và hoàn cảnh đằng sau các ca phẫu thuật vẫn chưa được tiết lộ. Luật ưu sinh nói rằng trong trường hợp không có sự đồng ý của người bị triệt sản, một hội đồng kiểm tra tại chính quyền địa phương có thể quyết định có tiến hành phẫu thuật hay không.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp thủ tục diễn ra mà không có sự thảo luận của hội đồng này hoặc tổ chức mà thiếu số lượng thành viên cần thiết. Ngoài ra, cũng vì khoản tiền bồi thường trên, một số trường hợp thành viên trong gia đình đã lừa người được phẫu thuật triệt sản với lý do rằng họ cần điều trị bệnh viêm ruột thừa.
QT (SHTT)