Nhật Bản lập tức đóng cửa các trường có học sinh ngộ độc thực phẩm

19/03/2019 07:11:32

Sau khi hơn 1.000 học sinh, giáo viên bị ngộ độc thực phẩm, chính quyền thành phố Hamamatsu, Nhật Bản, tạm đóng cửa các trường, tránh sự việc lan rộng.

Ngày 16/3, Daily Nation đưa tin ít nhất 18 học sinh trường Trung học Nữ sinh Nyabururu ở thành phố Kisii, Kenya, phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.

“Phụ huynh thân mến, vui lòng bỏ qua những thông tin độc hại trên mạng xã hội rằng tất cả học sinh phải nhập viện. Chỉ 7 em phải vào viện điều trị và do các nguyên nhân khác nhau. Chúng tôi đã thông báo đến cha mẹ các em”, lãnh đạo trường Nyabururu thông báo.

Nếu như thông tin 18 học sinh ngộ độc thực phẩm khiến dư luận lo lắng, thái độ của nhà trường tạo nên sự bức xúc lớn trong học sinh, gia đình cũng như những người quan tâm sự việc.

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học

Nhà trường nỗ lực lấp liếm bê bối bằng cách quản lý học sinh gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, học sinh đã bí mật mượn điện thoại của bệnh nhân khác để liên lạc với người nhà, nói sự thật.

Theo lời kể của một nữ sinh, em cùng nhiều bạn học bắt đầu nôn mửa, tiêu chảy, tức ngực và suy nhược cơ thể sau khi ăn trưa ở trường. Thay vì đưa các nạn nhân tới bệnh viện, nhà trường cảnh cáo các em không được tiết lộ thông tin, thậm chí với chính cha mẹ mình.

“Chúng em ăn phải thực phẩm bẩn ở trường. Nhà bếp cũng rất bẩn thỉu. Nhưng nhà trường lại bảo chúng em giả vờ và chậm gọi cấp cứu hay có hành động nào giúp đỡ”, một nữ sinh cho biết.

Nhật Bản lập tức đóng cửa các trường có học sinh ngộ độc thực phẩm
Nhiều học sinh trường Sahyadri Vidyamandir, Ấn Độ, nhập viện vì ngộ độc thực phẩm sau khi ăn trưa tại trường. Ảnh: Medium.

Tháng 8/2018, một vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng cũng xảy ra tại trường tư thục Sahyadri Vidyamandir ở Mumbai, Ấn Độ. 16 học sinh và một giáo viên nhập viện sau khi bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy vì ăn phải thực phẩm bẩn ở trường.

Rất may, nhờ trường gọi cấp cứu kịp thời, tình hình được kiểm soát, sức khỏe của các nạn nhân nhanh chóng ổn định trở lại.

Tháng 10/2016, hơn 300 học sinh trường Tiểu học Hồng Vân ở Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngộ độc thực phẩm. Các em đến từ 27 lớp trong tổng số 35 lớp của trường. 74 em bị nghiêm trọng, phải nhập viện điều trị nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Vụ việc một lần nữa dấy lên lo ngại về an toàn thực phẩm trong trường học ở nước này.

Tháng một cùng năm, 126 học sinh trường Tiểu học Pio del Pilar ở thành phố Makati, Philippines, có triệu chứng chóng mặt, đau bụng sau khi ăn đồ ăn mua từ canteen trường.

Đầu năm 2014, vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra tại Hamamatsu, Nhật Bản. 905 học sinh cùng 41 giáo viên, nhân viên tại 15 trường tiểu học trên địa bàn phải nhập viện điều trị với triệu chứng nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, choáng váng.

Cắt hợp đồng nhà cung cấp thực phẩm, đóng cửa trường học

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra khiến dư luận hoang mang, phụ huynh lo lắng. Cách thức xử lý của trường sau vụ việc rất quan trọng. Nó có thể trấn an dư luận hoặc tạo ra bức xúc lớn hơn.

Trường Trung học Nữ sinh Nyabururu rơi vào trường hợp thứ hai khi chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng liên quan vụ việc gần 20 học sinh nhập viện vì ăn phải thực phẩm bẩn. Trước cách làm việc vô trách nhiệm cùng thái độ coi thường sức khỏe học sinh của trường, nhiều người bức xúc, yêu cầu đóng cửa ngôi trường này ngay lập tức.

Nhật Bản lập tức đóng cửa các trường có học sinh ngộ độc thực phẩm - 1
Nhật Bản buộc phải đóng cửa nhiều trường học tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm lan rộng. Ảnh: CNN.

Trong khi đó, sau khi đưa học sinh đi cấp cứu, lãnh đạo trường Sahyadri Vidyamandir ngay lập tức xử lý vụ việc. Vì đây là trường tư thục, nhà trường có toàn quyền quyết định công ty cung cấp thực phẩm. Ngoài việc cắt hợp đồng với đơn vị cung cấp, trường còn gửi mẫu thức ăn tới phòng thí nghiệm thực phẩm để phục vụ công tác điều tra.

“Chúng tôi đảm bảo sẽ có biện pháp xử lý thích đáng khi có báo cáo kiểm tra thực phẩm”, Mahesh Palkar, đại diện nhà trường, hứa hẹn.

Sau vụ 300 học sinh bị ngộ độc, chính quyền Chính Định cũng ngay lập tức vào cuộc điều tra.

Một ngày sau khi vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường Tiểu học Pio del Pilar, tổ công tác từ Sở Y tế Makati cùng đại diện từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm tiến hành điều tra tình hình vệ sinh và nguồn cung thực phẩm của canteen trường.

Bên cạnh lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, cơ quan chức năng yêu cầu nhà ăn tạm ngừng hoạt động đến khi sự việc được giải quyết.

Theo CNN, chính quyền Hamamatsu, Nhật Bản, còn mạnh tay hơn khi ngay lập tức đóng cửa các trường có học sinh, giáo viên bị ngộ độc và tạm dừng hoạt động của các trường khác để tránh sự việc lan rộng.

Theo Hà Linh (Tri Thức Trực Tuyến)