"Các hành vi vi phạm nhân quyền đối với thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài là không thể tha thứ", Bộ trưởng Furukawa nhấn mạnh trước báo giới ngày 25/1 và khẳng định đã yêu cầu cơ quan hữu quan "nhanh chóng xử lý vụ việc".
Theo video ghi lại cảnh ngược đãi được công đoàn đăng lên mạng, đồng nghiệp người Nhật dùng chổi đánh vào đầu và cơ thể người đàn ông Việt trong lúc anh đang làm việc ở thùng sau xe tải hồi tháng 9/2020. Anh cũng bị đấm vào người với lý do "không trả lời tốt bằng tiếng Nhật". Video đã được lan truyền rộng rãi và làm dấy lên phẫn nộ.
Tại cuộc họp báo trực tuyến hôm nay, người đàn ông Việt mô tả những vụ tấn công thể xác mà anh phải chịu đựng trong suốt 2 năm vừa qua là "quá hung tợn và tàn nhẫn", đồng thời cho biết anh không muốn các thực tập sinh Việt Nam khác ở Nhật phải trải qua điều tương tự.
Ông Muto Mitsugu, chủ tịch công đoàn đang bảo vệ thực tập sinh người Việt, kể chi tiết những lần anh bị đồng nghiệp tại một công ty ở miền tây nước Nhật ngược đãi.
Có lần một người đã lấy một thiết bị tại công trường ném vào A khiến anh bị rách môi, gãy răng. Lần khác A bị đồng nghiệp dùng ủng bảo hộ (vốn dày và cứng) đá vào người khiến anh bị gãy xương sườn.
Đoạn video ghi lại cảnh anh A bị các đồng nghiệp đánh đập. Video khiến người xem phẫn nộ khi có người cười trong lúc chứng kiến A bị ngược đãi - Nguồn: Twitter The Mainichi |
"Chúng tôi tin rằng nó bắt nguồn từ việc thiếu nhận thức về nhân quyền và có cả yếu tố phân biệt chủng tộc", ông Muto nêu vấn đề tại họp báo.
Hiện tại, đã có hơn 350.000 thực tập đang sinh sống tại Nhật Bản theo chương trình được nhà nước tài trợ, kéo dài hàng chục năm qua. Mục đích của chương trình là giúp lao động ở các nước kém phát triển hơn trau dồi kỹ năng trong các ngành như nông nghiệp, xây dựng, chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, giới phê bình cho biết một số chủ lao động đã lợi dụng chương trình này để tìm nguồn nhân công giá rẻ, khiến các thực tập sinh có nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng.
Theo một báo cáo năm ngoái của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính phủ Nhật "đã không buộc các nhà tuyển dụng và chủ lao động phải chịu trách nhiệm về hành vi lạm dụng lao động và tội lao động cưỡng bức".
Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)