Một nhà ngoại giao Trung Quốc đã gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau là "nhóc con" trong một bài công kích trên mạng xã hội. Hành động này được cho là sự đi xuống trong mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa hai nước Trung Quốc và Canada.
Được biết, Trung Quốc và Canada đã xung đột liên tục trong những tháng gần đây. Tuần trước hai nước đã áp đặt các lệnh trừng phạt lẫn nhau liên quan tới cáo buộc "Bắc Kinh cưỡng bức lao động người thiểu số Duy Ngô Nhĩ".
Ngày 29/3, ông Li Yang, tổng lãnh sự Trung Quốc tại Rio de Janeiro (Brazil), đã chỉ trích "đích danh" ông Trudeau và cho rằng thủ tướng Canada là người phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng ngoại giao đang ngày càng căng thẳng này.
"Nhóc con, thành tựu lớn nhất của cậu là đã phá hỏng mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Canada, và biến Canada thành một con cún chạy theo Mỹ," ông Li viết trên Twitter.
Cụm từ "chó chạy theo đuôi" được dùng từ thời ông Mao Trạch Đông, thường được sử dụng để mô tả các quốc gia phụ thuộc vào các quốc gia như Mỹ. Trong khi đó, việc gọi nguyên thủ của một nước khác là "nhóc con" cũng cho thấy sự xúc phạm khó có thể chấp nhận được trong môi trường ngoại giao.
Các dòng Twitter của ông Li thường gây tranh cãi, nhắm vào cả bạo lực súng đạn, di sản của chế độ nô lệ ở Mỹ và cách đối xử của Washington với những người xin tị nạn. Tuy nhiên, ông Trudeau là nhà lãnh đạo duy nhất bị nhà ngoại giao này công kích trực tiếp.
Do chính sách ngoại giao của Trung Quốc thường bị kiểm soát chặt chẽ, nên thông điệp của ông Li được cho là đã phá vỡ các quy tắc ngoại giao thông thường của cộng đồng quốc tế, thể hiện sự "đáng lo ngại" so với các tuyên bố công khai của các quan chức chính phủ - ông David Mulroney, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho biết.
"Dòng tweet của ông Li là một thất bại to lớn trong chính sách ngoại giao trên mạng và quyền lực mềm của Trung Quốc," ông Mulroney nói. "Có vẻ như ai đó đã quyết định rằng các nhà ngoại giao có thể tự do hành động - hoặc là không thể kiềm chế được những nhà ngoại giao này. Nếu là trường hợp đầu tiên, thì mọi việc đã trở nên rắc rối; còn nếu là trường hợp thứ hai, thì thật đáng lo ngại".
Vụ việc mới đã xảy ra khi Canada, Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu liên tiếp chỉ trích Trung Quốc về cách đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương. Tuần trước, nhóm các quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Ngoài ra, Canada và Trung Quốc cũng có mâu thuẫn xoay quanh vụ Canada bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Chu và Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc rất tức giận về việc giam giữ bà Mạnh và sẵn sàng thực hiện các hành động mạnh mẽ để đảm bảo "công chúa Huawei" được thả.
Theo Tất Đạt (Doanh nghiệp & Tiếp thị)