Với những thông tin gây sốc về cuộc hôn nhân thất bại giữa Thái tử Charles và Công nương Diana, cũng như những chia sẻ của Diana về cuộc sống Hoàng gia, chương trình phỏng vấn của Martin Bashir trên kênh BBC hồi năm 1995 đã thu hút 23 triệu lượt xem (tương đương 39,3% dân số nước Anh thời điểm đó).
Giờ đây, 25 năm sau cuộc phỏng vấn, kết quả điều tra cho thấy Bashir đã lừa dối và dụ dỗ em trai - Bá tước Spencer của Diana để mời được Công nương tham gia phỏng vấn.
Cụ thể, Bashir làm giả các bản sao kê ngân hàng liên quan đến cựu thư ký riêng của Diana và một cựu thành viên hoàng gia khác, nhằm làm Spencer tin rằng những người này được trả tiền để kiểm soát Diana. Bashir cũng làm Diana tin rằng đang có âm mưu chống lại bà, và thúc giục Công nương lên tiếng.
Bashir đã rời khỏi BBC vài ngày trước khi kết quả điều tra được công bố, viện lý do sức khỏe.
Martin Bashir là ai?
Bashir sinh năm 1963 tại Wandsworth, phía tây nam London, trong một gia đình có năm người con.
Ông học chuyên ngành tiếng Anh và Lịch sử tại trường đại học ở Winchester, sau đó hoàn thành chương trình thạc sĩ tại King's College London.
Sau khi tốt nghiệp năm 1986, Bashir trở thành một nhà báo và nhận được công việc đầu tiên tại BBC.
Cuộc phỏng vấn với Diana
Năm 1995, Bashir (lúc này 32 tuổi) tiến hành một cuộc phỏng vấn với Công nương Diana, trong chương trình Panorama (Toàn cảnh) của BBC.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện trong phòng khách của Diana ở Cung điện Kensington vào ngày 5/11/1995. Máy quay và thiết bị ghi âm đã được đưa vào cung điện dưới vỏ bọc là một hệ thống điện tử mới.
Ngoài Bashir, nhà sản xuất Panorama Mike Robinson và một người quay phim, Tony Poole, cũng tham gia cuộc phỏng vấn.
Để đảm bảo tính bí mật, đoạn băng ghi lại cuộc phỏng vấn được giám sát liên tục và các nhân viên bảo vệ đã có mặt trong quá trình biên tập. Vài ngày sau đó, người kiểm soát chính sách biên tập của BBC, Richard James Ayre, người đứng đầu chương trình truyền hình thời sự hàng tuần Tim Gardam, và biên tập viên Panorama Steve Hewlett, đã xem cuộc phỏng vấn tại khách sạn Grand ở Eastbourne.
Tổng Giám đốc BBC thời điểm đó - John Birt đã giấu hội đồng quản trị BBC về cuộc phỏng vấn. Chủ tịch Hội đồng Marmaduke Hussey, đã kết hôn với Phu nhân Susan Hussey, một người thân tín của Nữ hoàng Elizabeth II. Người ta sợ rằng cuộc phỏng vấn có thể sẽ không được phát sóng, nếu Hussey biết chuyện. Người liên lạc chính thức giữa BBC với Hoàng gia Anh, Jim Moir, cũng không được biết.
Nhà sản xuất phim David Puttnam, một người bạn thân của Diana được cho là đã tới thăm bà trước đó hai tuần để mong bà đổi ý về việc tham gia phỏng vấn. Puttnam nói rằng ông sẽ không bao giờ tha thứ cho John Birt vì đã không giải thích cho Diana về hậu quả của những gì bà ấy làm, và vì đã không cảnh báo trước cho Marmaduke Hussey.
Cuộc phỏng vấn được tiến hành ba năm sau khi Charles - Diana ly thân, và một năm trước khi cặp đôi chính thức ly hôn. Trong buổi nói chuyện, Diana nói về việc Camilla Parker Bowles là "người thứ ba" trong cuộc hôn nhân của của bà. Công nương cũng tiết lộ về chứng rối loạn ăn uống, trầm cảm sau sinh khi sống trong cung điện hoàng gia.
Những tiết lộ của Diana khiến cả nước Anh và cộng đồng quốc tế chấn động. Một số người thậm chí còn lo ngại nó có thể làm sụp đổ chế độ quân chủ của Anh.
Ngay sau khi cuộc phỏng vấn được phát sóng ngày 20/11/1995, Bashir bị cáo buộc làm giả giấy tờ để lôi kéo Công nương Diana lên tiếng. Cuộc điều tra năm 1996 của BBC cho thấy Bashir “không có bất kì hành vi sai trái nào”. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất đã cho thấy cuộc điều tra năm xưa của BBC đã bị “vô hiệu một cách đáng tiếc”.
Cuộc phỏng vấn với Michael Jackson
Năm 1999, Bashir chuyển từ BBC sang ITV, và vào năm 2003, ông đã thực hiện một cuộc phỏng vấn nổi tiếng khác với Michael Jackson.
Được giúp đỡ của nhà ngoại cảm tự xưng Uri Geller, Bashir đã dành tám tháng làm việc với nam ca sĩ để sản xuất bộ phim tài liệu Sống cùng Michael Jackson.
Bộ phim kể về nỗi sợ hãi của nam ca sĩ trước người cha nghiêm khắc, nỗi ám ảnh về ngoại hình và việc lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ, những người con riêng và lời mời những đứa trẻ khác đến nhà (Michael Jackson từng bị cáo buộc ấu dâm).
Jackson sau đó đã khiếu nại với Ủy ban Truyền hình Độc lập và Ủy ban Tiêu chuẩn Phát thanh về những thông tin gây tranh cãi trong bộ phim của Bashir.
Ngoài Công nương Diana và nam danh ca Michael Jackson, Bashir còn thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với những nhân vật tên tuổi khác.
Bashir cũng đã từng làm việc cho ABC, các kênh truyền hình cáp của Mỹ MSNBC và NBC.
Gần đây nhất, ông là phóng viên phụ trách vấn đề tôn giáo của BBC.
BBC trả lại giải thưởng
Cuộc phỏng vấn với Công nương Diana của Bashir đã giành giải BAFTA (Giải thưởng Điện ảnh Viện Hàn lâm Anh quốc) năm 1996 ở hạng mục Chương trình talkshow hay nhất. Bashir được vinh danh là Nhà báo của năm và Người phỏng vấn của năm tại lễ trao giải Hiệp hội Truyền hình Hoàng gia. Các giải thưởng khác bao gồm hai giải từ Broadcasting Press Guild, trong đó có giải Nhà báo truyền hình của năm.
Tuy nhiên, trước những thông tin về hành vi sai trái của Bashir, BBC mới đây đã lên tiếng xin lỗi và tuyên bố sẽ trả lại giải thưởng BAFTA: “Cuộc phỏng vấn năm 1995 đã nhận được một số giải thưởng. Giờ, chúng tôi nghĩ rằng không thể giữ lại những giải thưởng này vì cuộc phỏng vấn được tiến hành theo cách không minh bạch.”
"Mặc dù BBC ngày nay đã cải thiện đáng kể các quy trình và thủ tục, nhưng quy trình tồn tại vào thời điểm đó lẽ ra phải ngăn cản việc lôi kéo nhân vật tham gia cuộc phỏng vấn theo cách này. BBC lẽ ra phải nỗ lực hơn nữa để tìm hiểu kĩ càng về những gì đã xảy ra vào thời điểm đó và minh bạch hơn về những gì chúng tôi đã biết. BBC không thể quay ngược đồng hồ trở lại một phần tư thế kỷ, nhưng chúng tôi có thể đưa ra lời xin lỗi chân thành và vô điều kiện.”
Trong một tuyên bố, Bashir nói rằng ông vô cùng hối hận vì đã làm giả các bản sao kê của ngân hàng, gọi đó là "một việc làm ngu ngốc." Nhưng Bashir nói thêm, rằng ông ấy cảm thấy nó "không liên quan gì đến lựa chọn cá nhân của Công nương Diana khi quyết định tham gia cuộc phỏng vấn."
Chia sẻ về vụ bê bối mới nhất của BBC, Piers Morgan - một nhà báo, người dẫn chương trình nổi tiếng của Anh, cho biết ông cảm thấy sốc khi BBC mất 25 năm mới nói ra sự thật về cuộc phỏng vấn của Công nương Diana.
“BBC vấy máu trên đôi tay của mình, vì cuộc phỏng vấn đó đã đẩy Diana vào con đường dẫn đến cái chết bi thảm của bà vài năm sau đó”, Piers Morgan nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Anh Oliver Dowden cho biết chính phủ nước này sẽ xem xét việc cải cách hệ thống quản trị tại đài BBC (do nhà nước tài trợ) sau vụ bê bối này.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)