Vào ngày 20/5, hãng tin BBC đã lên tiếng xin lỗi "vô điều kiện" về vụ việc một nhà báo từng dùng mánh khóe để có được cuộc phỏng vấn gây chấn động dư luận với Công nương Diana vào năm 1995.
Lật tẩy sự gian dối
Theo truyền thông quốc tế, cựu thẩm phán John Dyson, người đứng đầu cuộc điều tra, kết luận rằng BBC cũng đã che giấu mánh khóe này. BBC là bên đã chủ động mở cuộc điều tra vào tháng 11 năm ngoái sau khi anh trai của Công nương Diana, Charles Spencer, cáo buộc rằng ông đã bị lừa để giới thiệu Công nương Diana với nhà báo Martin Bashir.
Ông Dyson cho hay, nhà báo Bashir đã đưa các bản sao kê ngân hàng giả mạo cho ông Spencer và nói rằng Diana vào thời điểm đó bị theo dõi, nghe trộm và 2 trợ lý cấp cao của bà được trả tiền để cung cấp thông tin về bà.
"Ông Bashir đã lừa dối để ông Spencer sắp xếp một cuộc gặp với Công nương Diana. Ông Bashir đã hành động không đúng khi vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của BBC về việc thương lượng thu thập thông tin", báo cáo kết luận.
Cuộc phỏng vấn với Công nương Diana đã được 22,8 triệu người theo dõi và giành được loạt giải thưởng truyền hình. Trong cuộc phỏng vấn này, Công nương nổi tiếng với chia sẻ "có ba người" trong cuộc hôn nhân của bà, ám chỉ với Thái tử Charles ngoại tình với bạn gái cũ lâu năm, bà Camilla.
Hai hoàng tử lên tiếng
Vào tối ngày 20/5 (giờ địa phương), Hoàng tử William đã lên tiếng chính thức nói về "sự gian dối" này. Đầu tiên, Công tước xứ Cambridge gửi lời cảm ơn đến ông Dyson cùng cộng sự đã đưa vụ việc ra ánh sáng. Hoàng tử William cũng hoan nghênh việc BBC chấp nhận toàn bộ những sự thật mà ông Dyson đưa ra bao gồm việc lừa dối và sử dụng tài liệu giả để có được cuộc phỏng vấn với Công nương Diana.
Hoàng tử William cho biết, sự thất bại của BBC đã "góp phần đáng kể vào nỗi sợ hãi, hoang tưởng và cô lập của mẹ tôi trong những năm cuối đời". William cũng cho biết cách thức gian dối mà cuộc phỏng vấn sử dụng đã gây ảnh hưởng đến những gì mẹ anh nói trên chương trình đó và góp phần to lớn vào sự tan vỡ mối quan hệ của cha mẹ anh.
"Quan điểm dứt khoát của tôi là chương trình này không có tính hợp pháp và không bao giờ được phát sóng nữa. Câu chuyện sai sự thật được dựng lên trong hơn 1/4 thế kỷ, đã bị BBC và nhiều người thương mại hóa. Những thất bại này, được các nhà báo điều tra xác định, không chỉ khiến mẹ tôi và gia đình tôi thất vọng, chúng còn khiến công chúng thất vọng", Hoàng tử William đưa ra ý kiến đầy đanh thép.
Không lâu sau đó, Hoàng tử Harry cũng đưa ra một thông cáo riêng, nói rằng báo cáo điều tra là "bước đầu tiên hướng tới công lý và sự thật" nhưng những mánh khóe này vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay và đã góp phần vào cái chết của mẹ anh.
Lời xin lỗi muộn màng
Nhà báo Martin Bashir, người đã làm giả tài liệu để có được cuộc phỏng vấn với Công nương Diana, sau đó lại tiếp tục nói dối với các giám đốc của BBC về chuyện này cũng đã lên tiếng xin lỗi.
Trong một tuyên bố, Bashir cho biết: "Đây là lần thứ hai tôi sẵn lòng hợp tác trong cuộc điều tra về một sự kiện đã xảy ra từ hơn 25 năm trước. Tôi từng xin lỗi khi đó, và giờ đây tôi tiếp tục làm vậy, vì sự thật là tôi đã nhờ làm giả sao kê ngân hàng. Đó là điều ngu ngốc, tôi vô cùng hối hận".
Được biết, Bashir (58 tuổi) đã nghỉ việc tại BBC hồi tuần trước vì lý do sức khỏe. Trong khi đó, tân Tổng Giám đốc BBC Tim Davie thừa nhận toàn bộ những phát hiện của Dyson và cho biết "quy trình đảm bảo cuộc phỏng vấn không phù hợp những gì khán giả có quyền mong đợi".
Đài BBC cho biết họ sẽ trao lại các giải thưởng mà chương trình đã giành được nhờ cuộc phỏng vấn.
Theo Diệp Lục (Pháp Luật & Bạn Đọc)