LTS: Ấn Độ hiện đang trải qua đợt dịch Covid-19 thảm khốc nhất lịch sử, với rất nhiều câu chuyện bi thương về thân phận nhỏ bé của con người trước đại dịch. Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả chia sẻ của chị Hiền Nguyễn (quê quán Đức Thọ - Hà Tĩnh), hiện đang sống cùng chồng ở Mumbai, bang Maharashtra, Ấn Độ về những ngày đen tối mà chị và gia đình cũng như nhiều người dân Ấn Độ đang phải trải qua.
10 năm trước, tôi và chồng mình quen nhau ở New Zealand. Trầy trật với vô vàn khó khăn, chồng tôi sau khi học PhD đã bỏ nghề làm giảng viên để bước ra kinh doanh. Anh muốn tôi có một hồ sơ đủ mạnh để nhập tịch ở châu Úc.
Khi đã là công dân New Zealand, tôi và chồng lại quyết định trở về Ấn Độ, quê hương của anh. Anh startup trong lĩnh vực công nghệ. Ba chồng tôi ở đây làm cảnh sát cấp cao đã về hưu nhưng vẫn tham gia cố vấn cho ngành. Một cố hương như thế, nơi có cả tỷ dân nói tiếng Anh, được mệnh danh là hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 thế giới... tất nhiên là lựa chọn lý tưởng. Thế nhưng…
01.17 tháng "trốn chui nhủi" trong hang ổ cuối cùng
Ở Mumbai, đã gần 17 tháng trôi qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tôi sống như tù nhân đích thực. Thậm chí nếu so sánh với phạm nhân phải chịu án chung thân, tôi thấy mình còn khổ hơn.
Các tòa nhà khác đã bị phong tỏa nghiêm ngặt. Nhưng nơi tôi đang sống là nhà công vụ của giới cảnh sát. Những người làm nhiệm vụ cần di chuyển. Và từ lâu, nơi này biến thành một ổ dịch với rất nhiều ca nhiễm. Năm ngoái có 3 người chết. Chưa hết nửa đầu năm nay lại có thêm 3 ca vừa tử vong.
Tất cả căn nhà đều đóng cửa. Mọi vật dụng được mua và thanh toán online. Khi người giao hàng đến, họ sẽ đặt đồ ở trước cửa rồi rời đi. Sau đó, người ta điện thoại cho người nhận. Chúng tôi chỉ dám hé cửa một chút xíu để lấy đồ ăn thức uống rồi lập tức đóng sập cửa. Mọi thao tác phải thật nhanh để tránh gặp phải bất cứ ai.
Hai người duy nhất tôi gặp gỡ mỗi ngày trong suốt nhiều tháng qua là chồng và con. Tôi sinh con cách đây 16 tháng. Các gia đình khác cũng vậy.
May mắn, startup về công nghệ của chồng tôi vẫn sống ổn. Mỗi khi có việc cần sửa chữa máy móc hoặc ký hợp đồng trực tiếp, anh sẽ ra khỏi nhà lúc 1-2h sáng. Khi trở về, anh khử khuẩn rất kỹ dù đã mặc đồ bảo hộ lúc ra ngoài.
Khoảng trống bên trong 4 bức tường giờ đây là "hang ổ" cuối cùng. Chúng tôi ở trong "hang", không dám để lộ mặt ra ngoài.
Một buổi sáng còn sớm, sau nhiều ngày "ở tù", tôi mạnh dạn hé mở cửa nhà để quan sát thế giới. Hai mắt tôi lập tức tối lại khi chứng kiến một thi thể bọc kín trong vải trắng được khiêng lên xe cứu thương bởi 2 người đàn ông. Chiếc xe rời tòa nhà rồi lao đi vun vút, mất hút trong bóng bình minh lờ mờ còn chưa rõ mặt người.
Những tiếng cười nói đã tắt đi từ lâu. Dưới phố, xe cộ chạy thưa thớt. Nhiều chiếc nằm im một chỗ đã nhiều ngày. Thi thoảng, thứ làm náo động cuộc sống là tiếng tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi chạy bạt mạng. Chúng rú lên trong đêm, sáng sớm hay lúc chiều tà đầy thê lương.
Dù không thể ra ngoài, cũng như đã lâu không nhìn ngắm thành phố đông dân nhất Ấn Độ một cách thật thỏa thích, tôi có cảm giác bầu trời Mumbai đang xanh xám lại vì chết chóc. Mấy tháng trước, căn nhà đối diện tôi đang ở có một cháu bé chết vì Covid-19. Bé vừa tròn 5 tháng. Cả ông và bà nội của cháu cũng đã chết vì dịch bệnh. Trớ trêu thay, con virus vô hình lại có sức mạnh đẩy chúng ta vào hoàn cảnh chẳng thể nào nhìn mặt người quen một lần cuối trước khi họ lên đài hóa thân. Ai cũng ra sức phun, xịt khử khuẩn. Nỗi đau, niềm xót thương gần như phải nhường chỗ cho sự kinh hãi đang lấp đầy mọi khoảng trống trí não.
Thậm chí ông bà cháu bé mất ở đâu, ở viện hay ở nhà… tôi cũng còn không biết (!). Tôi chỉ biết tòa nhà phát đi thông báo họ đã chết. Dù vậy, mọi người vẫn sợ hãi. Ngay cả cảm giác phải mở cửa nhìn sang nhà đối diện có người chết vì Covid-19 cũng thật là ám ảnh.
Tầng chung cư tôi ở có 4 căn. Gia đình tôi và bố mẹ chồng đã ở hết 2 căn. Một căn tắt đèn và chỉ còn một gia đình hàng xóm duy nhất. Nhưng đã hơn 1 năm, chúng tôi không trò chuyện cùng nhau.
Có mấy lần tôi đến viện tiêm vắc-xin và chữa bệnh cho con. Chúng tôi chọn đường cao tốc để tránh nhìn thấy những cảnh tượng đau buồn và nhanh nhất đến bệnh viện. Đôi khi mùi khói lửa hỏa thiêu lởn vởn ở đâu đó. Mumbai có tới 17 khu hỏa táng và 7-8 lò hỏa thiêu lộ thiên đang hoạt động hết công suất.
02.Ném xác người xuống sông, trát phân bò lên mặt và những bệnh nhân gục ngã khi đang đi xe máy
Một người bạn vừa gửi cho tôi đoạn clip rất đau lòng được ghi lại hồi đầu tháng 5. Ở một con phố nhỏ, người phụ nữ thất thểu rồi gục ngã ngay lề đường. Vốn định đỡ lấy chị, nhưng chỉ khoảng 2 giây sau, người đàn ông đi đường đã kịp thu tay lại, chắc do sợ chị chết vì virus biến chủng.
Trên phố, có những người qua lại vật vờ. Có người gục xuống ngay khi ngồi trên xe máy. Có chỗ cả người và xe nằm còng queo. Chỉ có vài người thân kêu khóc bên cạnh những thi thể. Không ai dám chắc, những người thân ấy không lây nhiễm loại virus đáng sợ.
Rồi trên báo, tôi thấy người ta kêu gọi chữa bệnh bằng những cách quái dị. Có người uống nước tiểu, trát phân bò lên mặt, lên cổ hoặc thậm chí toàn thân.
Tin tức phát đi trên báo đài Ấn Độ thật tang thương. Những dòng tít phản ánh xác bệnh nhân thiêu chưa hết đã bị quăng xuống sông Hằng không phải là thiểu số. Mới hôm nọ, có tin một bệnh nhân tử vong mới thiêu hết nửa xác, nửa còn lại vứt trôi sông.
Nghe nói Mumbai không dùng nước sạch lấy từ sông Hằng. Người Ấn có con sông nằm trong rừng, cảnh tượng rất đẹp, nhiều động vật hoang dã. Ba chồng tôi làm cảnh sát cấp cao nên có mấy lần tôi từng được ghé qua. Vì sông đó cung cấp nước cho bang Marahata nên những ai không phận sự sẽ không thể bén mảng.
Nhưng dù sao chuyện mảnh xương hay xác người bệnh vứt trôi sông cũng thật quá kinh hoàng. Rồi từ đây, không biết có mầm bệnh nào từ nước sông lây ngược lại cho người Ấn hay không. Nhưng lúc này, rất nhiều người nghèo đang nguy khốn. Cảnh tượng ở khu ổ chuột thật tang tóc. Để thiêu xác người cần đến cả tấn củi. Trong bối cảnh phải thiêu người dồn dập như bây giờ, chuyện vứt xác cháy dở xuống lòng sông cũng phải không quá khó để hiểu.
Từ xa xưa, người Ấn đã có truyền thống thiêu xác lộ thiên. Năm xưa ông nội chồng tôi cũng như vậy. Khi thiêu chưa hết xương, người thân đã đưa tất cả về sông Hằng thủy táng. Nhưng đốt người tập thể và vứt cả phần di hài nhiễm bệnh xuống sông như bây giờ thì có lẽ đây mới là lần đầu ở Ấn Độ.
Vì những ám ảnh kinh hoàng ấy, ba chồng tôi thậm chí đã cấm tôi xem tin tức. Ông nói, nếu cứ theo dõi liên tục những cảnh tượng đau lòng ấy, sớm muộn gì tôi cũng phát bệnh trầm cảm. Có khi Covid-19 chưa ập tới, những căn bệnh khác đã rút hết sinh lực của một người chỉ quanh quẩn ở nhà như tôi. Giờ đây ai cũng sợ phải đến bệnh viện. Các giường bệnh đã hết, thiếu oxy... và nơi đâu cũng chật cứng những bệnh nhân nhiễm Covid-19.
03.Không dám mơ trở lại Việt Nam dù đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin
Cách đây khoảng nửa tháng, tôi đã tiêm xong liều vắc-xin thứ 2. Ấn Độ mở 3 đợt tiêm vắc-xin lớn. Lần đầu dành cho giới y bác sĩ, quan chức, quân đội... Lần thứ hai ưu tiên người từ 45 tuổi và có bệnh nền, nhiều nguy cơ.... Lần thứ 3 thì bất kể ai trên 18 tuổi đều được các viện công tiêm miễn phí.
Vì không muốn đến chỗ đông người, tôi đã chi trả thêm tiền để tiêm vắc-xin ở viện tư. May mắn, tôi nhanh chân! Bởi khi tình hình dịch bùng nổ như hiện nay, mỗi bệnh viện chỉ tiêm 500 liều mỗi ngày. Tất cả người dân phải đăng ký tiêm online. Họ thức xuyên đêm để canh giờ mở cổng đăng ký mới mỗi ngày. Chỉ cần chậm chân hơn một giây, họ vuột mất cơ hội. Bạn tôi đã canh suốt 3 lần mà vẫn không được tiêm.
Và dù đã tiêm đủ 2 liều, chúng tôi vẫn sợ hãi. Tất nhiên, vắc-xin phần nào có tác dụng ngăn chặn virus và giảm nhẹ triệu chứng. Nhưng con tôi còn quá nhỏ và chưa đủ tuổi tiêm chủng. Tôi rất sợ con nhiễm bệnh. Cũng không có gì đảm bảo người tiêm vắc-xin đầy đủ như tôi đã tuyệt đối an toàn.
Có lẽ vì trò chuyện nhiều với tôi, ba mẹ tôi ở Việt Nam rất cẩn trọng. Ở thị trấn Đức Thọ - Hà Tĩnh nơi họ sống dù chưa phải điểm nóng về dịch bệnh, nhưng đã từ lâu cả hai đóng chặt cửa, rất hạn chế ra ngoài.
Mỗi lần nghe tin tức ở Việt Nam đã đẩy lùi Covid, mọi người lại có thể ra đường, thậm chí đi du lịch, tôi thấy rất hạnh phúc. Ít ra tôi yên tâm vì biết ba mẹ mình bình an. Tôi cũng ước giá như mình được sống trong sự bình an ấy của quê nhà. Nhưng với tôi, giờ đây giấc mơ đó hơi xa vời. Khả năng nhiễm Covid trên chuyến bay rất cao. Nếu tôi mang bệnh về cho ba mẹ, cho Tổ quốc, lại là một biến chủng thật ghê gớm, sẽ không có từ nào diễn tả hết tội lỗi của tôi.
Ở Ấn Độ, ba chồng tôi vẫn đang cùng những người bạn của ông gom góp tiền bạc để mua thực phẩm nấu cơm phân phát cho người nghèo. Ông còn đang ấp ủ dự định muốn làm phim về cuộc đời mình. Nếu không có dịch, chắc phim về ông ra mắt rồi đấy.
Bây giờ, từ trong căn hộ nơi tôi đang sống, cách biệt với thế giới bên ngoài nhờ bức tường mỏng với hy vọng thoát khỏi loại virus tàn độc, tôi chỉ có thể nguyện cầu. Nguyện cầu cho những việc tốt đẹp ba chồng tôi đang làm sẽ giúp được nhiều người. Nguyện cho sự tự do sớm trở lại với tôi. Rằng một ngày nào đó tôi sẽ lại được đi thênh thang giữa phố và chờ xem bộ phim về ba chồng mình. Mong sao Ấn Độ, Việt Nam và thế giới bình an vượt thoát kiếp nạn này.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
Theo Trương Thu Hường (Doanh nghiệp & Tiếp thị)