Giăm bông chỉ được cung cấp trong thời gian ngắn với số lượng hạn chế, cùng với sự thiếu hụt nhiều mặt hàng thiết yếu khác khiến nhiều người dân nước này thất vọng, ra đường phản đối, theo AFP.
"Giáng sinh chúng tôi đã không được ăn rồi, và năm mới chắc chắn cũng thế", Miriam Brito, một người dân ở thủ đô Caracas phàn nàn.
Những cuộc biểu tình nhỏ tương tự đang lan rộng khắp Venezuela. Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro hứa hẹn giăm bông sẽ nằm trong số các mặt hàng thực phẩm được trợ giá bán.
Brito cho biết đã 4 tháng nay không nhận được trợ cấp thực phẩm.
"Họ nói dối chúng tôi về chuyện bán giăm bông", bà mẹ 40 tuổi có một con gái 7 tuổi nói.
Giá dầu giảm, chính trị bất ổn, tham nhũng đã khiến kinh tế đất nước suy yếu, dẫn tới tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán lạm phát ở quốc gia này sẽ vượt mức 2.300% vào năm 2018.
Nhóm của Brito có khoảng 100 người, mang nồi niêu xoong chảo, dây thừng, lốp xe, gạch vụn, chặn một góc phố hôm 30/12.
Thu nhập thấp nhất của người Venezuela là 450.000 bolivar một tháng, tương đương 135 USD theo tỷ giá chính thức mà nhà nước đưa ra, và chỉ bằng 4,5 USD nếu tính theo tỷ giá chợ đen. Với số tiền này, nếu muốn mua thịt lợn không trợ giá, người dân chỉ có thể mua 1,5 kg. Đây là mức giá ngoài tầm tay đối với Brito, một nhân viên thu ngân có lương ở mức tối thiểu.
Ngay khi giăm bông có sẵn, số thịt được trợ giá cũng ít hơn 30 lần so với nhu cầu. Ngoài món thịt truyền thống, người biểu tình cũng than vãn về tình trạng thiếu nước và điện, dù Venezuela có lượng trữ dầu lớn nhất thế giới.
Tổng thống Maduro thừa nhận thiếu nguồn thịt phân phối, nói rằng nguyên nhân xuất phát từ việc Washington trừng phạt kinh tế và Bồ Đào Nha, nước xuất khẩu thịt giăm bông đã phá hoại.
"Điều gì đã xảy ra với giăm bông? Chúng ta bị phá hoại. Đó là lỗi của Bồ Đào Nha", ông Maduro nói. "Họ đã mua hết mọi nguồn thịt có thể cung cấp cho Venezuela, mọi nguồn. Chúng ta lẽ ra đã nhập được thịt, nhưng họ chặn mọi tài khoản ngân hàng của chúng ta và hai con tàu chở thịt đang trên đường cập bến".
Lisbon bác bỏ cáo buộc. Ngoại trưởng Augusto Santos Silva khẳng định "chính phủ Bồ Đào Nha chắc chắn không đủ quyền lực để phá hoại việc cung cấp thịt lợn".
"Chúng ta sống trong nền kinh tế thị trường và các doanh nghiệp có quyền xuất khẩu. Chẳng có sự can thiệp chính trị nào ở đây cả", ông nói.
Raporal, một nhà xuất khẩu giăm bông Bồ Đào Nha cho biết Venezuela đang nợ gần 48 triệu USD trong một hợp đồng trị giá hơn 76 triệu USD ký năm 2016.
Trong khi các nhà cung cấp đang chờ thu nợ, thì Jesus Castellanos, 64 tuổi, vẫn đang lo lắng về số thịt lợn trong năm mới.
"Ông Maduro đã hứa hẹn trên truyền hình sẽ cung cấp giăm bông cho chúng tôi nhưng giờ ông ấy lại đổ lỗi cho Bồ Đào Nha", người thợ giày nói.
Thịt lợn đã được vận chuyển tới khu vực này nhưng không đủ chia cho 300 hộ gia đình. Số thịt được phân phối ngẫu nhiên.
"Họ đang nói dối chúng tôi", ông nói.
Cuối cùng, khi cảnh sát chống bạo động tới, những người biểu tình đã giải tán.
Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)