Bộ trưởng Ngoại giao Canada bà Chrystia Freeland cho biết hành động này là để trả đũa cho việc Venezuela trục xuất nhà ngoại giao cao cấp nhất của nước này từ Caracas vào cuối tuần qua.
Venezuela trước đó đã cáo buộc Canada can thiệp vào công việc nội bộ của nước mình do Canada lên tiếng chỉ trích chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro về vấn đề nhân quyền.
Tại Venezuela, hơn 120 người đã thiệt mạng trong các vụ biểu tình phản đối chính phủ vào đầu năm 2017.
Trong thông cáo về việc này, bà Freeland khẳng định: "Người dân Canada sẽ không đồng hành cùng chính phủ Venezuela trong việc cướp bóc những nền tảng cơ bản của Dân chủ và Nhân quyền và không cho phép người dân tiếp cận với những hỗ trợ nhân đạo cơ bản. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với những đối tác trong khu vực của Canada để tạo áp lực với chế độ phản dân chủ của Ngài Maduro và mang lại quyền cho người dân Venezuela".
Bà Freeland cho biết Đại sứ Barrientos hiện đang ở nước ngoài và sẽ không được phép nhập cảnh Canada trong khi Đại biện lâm thời - ông Herrera đã nhận được yêu cầu rời khỏi Canada.
Theo BBC, Venezuela trước đó đã tuyên bố Đại biện lâm thời của Canada tại Caracas, Craig Kowalik, là nhân vật không được chào đón. Ông Kowalik được cho là đã "Can thiệp liên tục và lâu dài, thô bạo và khiếm nhã vào công việc nội bộ của Venezuela" và"nhận lệnh từ chính quyền Mỹ" .
Nước này cũng trục xuất đại sứ Brazil, Ruy Pereira, về cáo buộc vi phạm luật pháp ngày 23-12.
Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ông Maduro và chính quyền Trump đã xếp ông vào danh sách "nhà độc tài".
Phe đối lập ở Venezuela đã cáo buộc ông Maduro và người tiền nhiệm, Hugo Chávez, đã phá hủy nền kinh tế của đất nước.
Venezuela là một trong những nước có tỉ lệ lạm phát cao nhất thế giới và trong nhiều năm đã phải chịu đựng tình trạng thiếu hàng hoá cơ bản, trong đó có thuốc chữa bệnh.
Nhiệm kì sáu năm của ông Maduro kết thúc vào năm 2019. Ông dự kiến sẽ tiếp tục thêm một nhiệm kỳ trong cuộc bầu cử dự kiến vào năm tới.
Theo Hồng Vân (Tuổi Trẻ)