Tại Mỹ đã cho xuất bản cuốn sách "Thẩm vấn Tổng thống - Debriefing The President" của John Nixon. Cuốn sách này đã được dịch ra tiếng Ả Rập và phát hành ở nhiều nước Ả Rập. Tác giả của nó không phải là một người bình thường mà là một sỹ quan thuộc Cơ quan tình báo Mỹ "CIA", người đã trực tiếp được giao nhiệm vụ thẩm vấn Tổng thống Iraq Saddam Hussein sau khi ông bị quân Mỹ bắt ngày 13/12/2003 trong "Chiến dịch Bình minh đỏ" tại một căn hầm ở thị trấn Al-Dawar, gần thủ phủ Tikrit, quê hương ông.
Trong cuốn sách này, John Nixon viết rằng, tất cả thông tin mà Washington cung cấp cho người Mỹ về Saddam Hussein đều là dối trá.
Nạn nhân của sự lừa dối lớn nhất trong lịch sử hiện đại
John Nixon là một nhân viên tình báo của CIA chuyên đọc và phân tích các thông tin về các nhà lãnh đạo trên thế giới để giúp chính quyền Mỹ đưa ra các quyết sách trong quan hệ với họ. Ông được giao nhiệm vụ thẩm vấn Tổng thống Saddam Hussein.
Sau khi Mỹ chiếm Iraq, chính quyền Iraq bị lật đổ, John Nixon được CIA cử sang Iraq để tìm bắt Saddam Hussein. Sau khi bắt giữ Tổng thống Saddam Hussein, tác giả được phân công thẩm vấn ông.
Tác giả đã kể lại chi tiết các cuộc thẩm vấn này. John Nixon nói: "Trước khi Saddam Hussein bị bắt, tôi đã ở Iraq được tám tuần và nhiệm vụ được giao là tìm ra manh mối để dẫn đến nơi ẩn náu của Saddam và các cộng sự của ông. Đến lúc đó, cuộc chiến chống lại chế độ Iraq đã diễn ra được 9 tháng".
"Những người lính Mỹ tìm thấy một người đàn ông có bộ râu rậm, đầu tóc bù xù trong một căn hầm nhỏ, tôi đã nhận ra ngay đây chính là Saddam Hussein. Khi tôi gặp và chuyện trò trực tiếp với ông, tôi thấy mình thực sự là nạn nhân của sự lừa dối lớn nhất trong lịch sử hiện đại".
John Nixon thấy trước mặt mình, như ông khẳng định trong cuốn sách, một nhà lãnh đạo dũng cảm, thông minh, hiểu nhiều biết rộng, hoàn toàn khác với hình ảnh mà người ta mô tả.
John Nixon nói, ông viết cuốn sách này là để lương tâm khỏi bị cắn rứt và rũ bỏ tâm lý ám ảnh cuộc đời mình do che giấu sự thật, góp phần cải cách các bộ máy ra quyết định ở Mỹ, đồng thời là một cách để xin lỗi người dân Iraq và Tổng thống Saddam Hussein.
Ông nói: "Tôi không nghĩ có bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới lại bị đàn áp và bị oan uổng như đã xảy ra đối với Iraq. Mỹ đã hiểu sai về Saddam và vai trò của ông, một người kiên quyết chống lại chủ nghĩa cực đoan trên thế giới".
Nixon nhấn mạnh rằng việc loại Saddam khỏi chính quyền đã chứng minh là một thảm họa, Iraq trở thành một quốc gia thất bại trong tất cả các lĩnh vực. Lẽ ra Mỹ không phải đương đầu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) như hiện nay.
Bản tuyên bố Mỹ yêu cầu Saddam Hussein ký
Trong cuốn sách của mình, Nixon tiết lộ chi tiết về cuộc gặp giữa Đô đốc McReven và Saddam Hussein ngày 1/3/2004. Tại cuộc gặp này, Đô đốc McReven đã yêu cầu Saddam ký một tuyên bố kêu gọi quân nổi dậy ở Iraq hạ vũ khí để được giảm tội, nếu không số phận của ông sẽ như Musolini.
Saddam Hussein đã cười to, không thèm đọc, chứ chưa nói đến việc ký vào bản tuyên bố đó. Ông nói:
"Nhân phẩm của tôi không cho phép tôi đọc bản tuyên bố này. Nếu các anh muốn tránh đổ máu trên đường phố Iraq, hãy rời khỏi đất nước chúng tôi. Các anh sẽ không mất gì khi rút khỏi Iraq, còn chúng tôi sẽ mất rất nhiều nếu chúng tôi ngừng chiến đấu. Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận được giảm nhẹ tội trên nỗi đau của người dân Iraq. Các anh là những người lừa dối, không bao giờ thực hiện lời hứa của mình".
Nixon cho biết thêm: Trong khi tôi thẩm vấn Saddam, ông luôn luôn chống lại mọi nỗ lực nhằm buộc ông phải khuất phục. Nixon kể lại rằng ông Saddam rất yêu mến người Kurd. Saddam mô tả Đảng Baath Iraq là một phần của dân tộc và là một đảng đấu tranh cho công bằng xã hội, đoàn kết Ả Rập, tự do và dân chủ. Tác giả nói, một số trang của cuốn sách đã bị CIA cắt bỏ do những trang này có chứa đựng nhiều đoạn viết xin lỗi nhân dân Iraq, ca ngợi và tôn vinh Saddam, kẻ thù của nước Mỹ.
Tác giả của cuốn sách nói, Baghdad không có kế hoạch hành động quân sự nào chống lại Mỹ và các nước láng giềng. Trong các cuộc thẩm vấn, Saddam Hussein luôn luôn khẳng định "Iraq không phải là quốc gia của những kẻ khủng bố. Chúng tôi không có mối quan hệ nào với trùm khủng bố Bin Laden và không đe dọa láng giềng của chúng tôi".
Saddam Hussein cũng khẳng định chính quyền Iraq không liên quan gì đến cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Ông nói: "Các anh hãy nhìn xem những người đã tham gia vào vụ đó là ai và những kẻ khủng bố đến từ nước nào? Rõ ràng tất cả bọn này đều mang quốc tịch Ả Rập Saudi, Ai Cập. Điều gì khiến anh nghĩ tôi lại có thể làm điều đó?"
Theo Nixon, lúc đầu Saddam Hussein thậm chí còn tin rằng thảm kịch 11/9 ở New York sẽ dẫn đến việc nối lại quan hệ giữa Mỹ và Iraq, vì Washington rất cần một đồng minh để chống lại những kẻ cực đoan. Nhưng ông ấy đã nhận định sai - John Nixon nói tiếp.
Đáng chú ý, ngày 9/9/2006, một báo cáo của Thượng viện Mỹ cho rằng Saddam Hussein không có quan hệ gì với tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Báo cáo này còn nói rõ, nhà lãnh đạo Iraq đã từ chối yêu cầu giúp đỡ của Bin Laden năm 1995 trong thời gian diễn ra cuộc nội chiến ở Iraq.
Trong cuộc thẩm vấn, đáp lại những cáo buộc của chính quyền Mỹ, Saddam Hussein nói rõ: "Baghdad không hề có vũ khí hủy diệt hàng loạt". Tuy nhiên, Tổng thống J. Bush (Bush con) lúc đó cho rằng Iraq muốn giết cha mình và rằng Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt.
"Nhà lãnh đạo Iraq khẳng định rằng, Iraq chưa bao giờ nghĩ đến việc sử dụng loại vũ khí này và điều này thậm chí còn không được đưa ra thảo luận. Sử dụng vũ khí hóa học để chống lại cả thế giới ư? Có ai quyết định làm điều này không? - Saddam hỏi tôi như vậy" - Nixon kể lại.
Người ta vẫn còn nhớ năm 2001, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cho biết các lệnh trừng phạt chống lại Iraq sẽ ngăn chặn được Saddam Hussein sản xuất ra vũ khí hủy diệt hàng loạt. Và để có độ tin cậy cao hơn, ông đã giơ lên trước cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc một chiếc lọ thuỷ tinh nhỏ được cho là có chứa vũ khí sinh học được tình báo Mỹ thu được ở Iraq, nhưng sau đó chính ông đã bác bỏ.
Điều đáng chú ý là ngày 14/2/2003, tức là trước khi Mỹ tấn công Iraq hơn một tháng, Saddam Hussein đã ký một sắc lệnh cấm nhập khẩu và sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng điều này đã không gây được ảnh hưởng nào tới thái độ của Mỹ. Ngày 18/3/2003, J. Bush đã đưa ra tối hậu thư cho Saddam Hussein phải rời khỏi đất nước trong vòng 48 giờ, nếu không sẽ phải đối đầu với một cuộc chiến tranh tổng lực.
Những câu chuyện hoang đường
Ngoài ra, trong cuốn sách của mình, điều tra viên của CIA đã vạch trần câu chuyện hoang đường rằng Saddam Hussein cai trị đất nước bằng bàn tay sắt.
Theo John Nixon, điều này có thể hiểu được trong các cuộc thẩm vấn. Trong những năm cầm quyền cuối cùng, Saddam Hussein đã không còn quan tâm nhiều đến những gì xảy ra trong chính phủ Iraq. Trên thực tế, ông dành phần lớn thời gian để viết truyện và ít để ý đến những gì xảy ra trong nước.
Khi thẩm vấn, nhà lãnh đạo Iraq cũng đã cảnh báo về hậu quả hết sức nặng nề của việc lật đổ chính quyền ở Iraq. John Nixon trích dẫn câu nói của Saddam Hussein cảnh báo chính phủ Mỹ:
"Các anh sẽ thất bại. Các anh rồi sẽ hiểu việc cai trị Iraq không dễ dàng. Các anh không biết tiếng Ả Rập, không biết lịch sử và không hiểu tính cách của người Ả Rập và tư duy của chúng tôi. Không thể nào hiểu được người Iraq mà không hiểu văn hoá và lịch sử của họ".
Theo John Nixon, một trong những câu chuyện hoang đường người ta cho rằng, Saddam Hussein có một số người đóng thế để bảo đảm an toàn cho tính mạng của mình. Điều này làm cho tất cả những ai làm việc trong ngành tình báo cảm thấy nực cười.
Về tính cách và quan điểm của Tổng thống Saddam Hussein, J. Nixon nói: Saddam là một người quyết đoán, thông minh. Ông không sợ chết. Khi Bush hỏi tôi liệu Saddam có biết mình sẽ bị tử hình không? Tôi trả lời rằng một trong những điều đầu tiên Saddam nói với tôi là ông biết chắc việc giam giữ ông sẽ kết thúc bằng bản án tử hình.
Một câu chuyện khác mà các chuyên gia Mỹ kể lại là người cha dượng của Saddam Hussein thường xuyên đánh đập ông. Họ cho rằng việc này ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của Saddam Hussein và làm cho ông trở thành một nhà độc tài, tàn bạo và tìm cách sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tuy nhiên, trong cuộc thẩm vấn, Saddam Hussein nói với John Nixon rằng cha dượng của ông là một trong những người nhân hậu nhất mà ông ta từng gặp. "Ibrahim Hassan chia sẻ với tôi mọi chuyện riêng tư. Ông yêu quý, gần gũi tôi còn hơn cả con đẻ"- Saddam Hussein nói.
Nixon thừa nhận rằng Tổng thống Saddam là người có tấm lòng nhân hậu. Khi tôi hỏi ông về lãnh đạo Iran, ông đã tỏ ra là một chính khách lịch lãm và nói, khi giáo chủ Ayatollah Khomeini chết năm 1989, ông đã yêu cầu các trợ lý của mình thể hiện sự tôn trọng với người quá cố và không được làm ông ta bị tổn thương khi đã chết.
Theo tác giả cuốn sách, ông không tìm cách biện minh cho "nhà độc tài", nhưng cái giá phải trả cho việc lật đổ Saddam Hussein là quá đắt với hơn 4.000 quân nhân Mỹ bị thiệt mạng và hàng ngàn tỷ đô la đã phải bỏ ra cho cuộc chiến và tái thiết Iraq.
Về cuốn sách "Thẩm vấn Tổng thống" của John Nixon, James Risen, nhà báo Mỹ được giải thưởng Pulitzer hiện làm việc cho tờ The Intercept và trước đó cho các tờ The New York Times, Los Angeles Times viết:
"Hầu hết các hồi ký của CIA là khủng khiếp và tồi tệ. Những tập hồi ký khác như cuốn sách trên của John Nixon phải chịu sự kiểm duyệt bắt buộc hết sức chặt chẽ. John Nixon, người đầu tiên của CIA thẩm vấn Saddam Hussein sau khi ông bị bắt tháng 12/2003, đã phanh phui sự thật về nhà lãnh đạo Iraq bị lật đổ và đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại xâm chiếm Iraq và loại bỏ ông ta khỏi chính quyền. Những tình tiết này có thể sẽ khiến người Mỹ bàng hoàng nhìn máu và tiền bạc của đất nước họ đã bị lãng phí ở Iraq".
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai (Soha/Trí Thức Trẻ)