Trên đời này không thiếu những vụ bi kịch gia đình nhưng để kết cục bi thảm như người phụ nữ Iran có tên Maryam Karimi thì thực sự hiếm thấy.
Maryam Karimi vốn là một phụ nữ Iran bình thường, sau khi trưởng thành thì lấy chồng và sinh được một cô con gái. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc chẳng được bao lâu đã sớm tan vỡ bởi sự bạo hành của người chồng.
Thái độ của người chồng đối với Maryam rất thô lỗ, anh ta đánh đập, mắng mỏ và suốt ngày ghen tuông, nghi ngờ vô cớ.
Nhiều năm trôi qua, hành động của anh ta trở nên bạo lực hơn, thậm chí nhiều lần Maryam tưởng chừng sẽ bị đánh cho đến chết.
Đến năm 2008, Maryam không chịu nổi và muốn ly hôn để thoát khỏi cuộc sống địa ngục. Cô ấy nói với bố mẹ về quyết định này và mọi người trong gia đình đều ủng hộ cô rời bỏ người đàn ông đó.
Tuy nhiên, sau khi nghe đến từ "ly hôn", người đàn ông không đồng ý. Maryam muốn bỏ trốn về quê thì bị anh ta ngăn chặn và đánh đập dữ dội hơn trước.
Sau khi biết những điều này, bố cô là Ebrahimi Karimi đã rất đau khổ, ông quyết định ra tay sát hại con rể để giải thoát cho con gái mình.
Ông và con gái Maryam sau đó đã hợp mưu sát hại người con rể vũ phu. Do có rất nhiều bằng chứng tại hiện trường vụ án, cảnh sát nhanh chóng đã xác định hai người họ là hung thủ.
Nếu tới đây, đó chỉ là một vụ án giết người vì bị bạo hành bình thường, tuy nhiên những gì diễn ra 13 năm sau đó mới là nỗi kinh hoàng thực sự.
Vào thời điểm xảy ra án mạng, con gái của Maryam mới 6 tuổi. Vì bố mẹ đột ngột mất tích cùng lúc, người thân không biết giải thích thế nào nên vu vơ cho rằng bố mẹ cô bé đều bị tai nạn qua đời. Cô bé sau đó được họ hàng của bố nhận nuôi.
Cho đến tháng 2/2021, cô đã 19 tuổi và đột nhiên được người thân báo cho một tin tức quan trọng: "Thực ra, mẹ cô vẫn còn sống, hồi đó bà ấy đã giết cha cô... Nếu cô muốn trả thù, cô có thể thi hành bản án tử hình đối với mẹ mình vào tháng 3 tới".
Con gái giết mẹ để trả thù cho cha?
Trên thực tế, đây là một hình phạt được gọi là Qisas trong Đạo luật trừng phạt Hồi giáo.
Qisas là một thuật ngữ Hồi giáo có nghĩa là "mắt trả mắt, răng trả răng", nhằm trừng phạt những người phạm tội theo cách thức có đi có lại.
Ví dụ, nếu tay phải của nạn nhân bị phạm nhân chặt trong một vụ đánh nhau, thì tay phải của người phạm tội sẽ bị chặt. Hay như nếu nạn nhân bị sát hại trong một vụ cướp, hung thủ sẽ bị tử hình và số tiền tương ứng sẽ được trả cho gia đình nạn nhân.
Trên lý thuyết, đây là một "quan điểm công lý" khá đơn giản và khiến nhiều người cảm thấy công bằng, song tình hình thực tế luôn phức tạp hơn.
Như trường hợp của Maryam, "cuộc sống địa ngục" trong một thời gian dài đã đấy cô đến bước đường cùng là giết chồng. Tuy nhiên, phía tòa án không xét tới khía cạnh bạo lực gia đình và trực tiếp tuyên án treo cổ tử hình với Maryam.
Ở Iran, cho dù đó là ngộ sát hay giết người do phòng thủ quá mức, đều không có sự khác biệt và sẽ bị tòa án quy chung về tội "cố ý giết người", đòi hỏi một mạng người phải trả giá bằng một mạng sống.
Còn việc con gái giết mẹ báo thù cho cha là xuất phát từ đặc điểm của Qisas là để con của nạn nhân báo thù.
Theo luật Hồi giáo, người thân của nạn nhân phải có mặt tại hiện trường trong thời gian Qisas được thực thi và tốt nhất là con cái của nạn nhân đích thân hành quyết tội phạm.
Nếu tay nạn nhân chặt đứt thì con cháu sẽ chặt tay tội phạm. Nạn nhân bị đâm chết, các con của họ sẽ đâm chết tên tội phạm để báo thù.
Luật Hồi giáo khuyến khích con đẻ của nạn nhân trả thù những kẻ tội phạm và cá nhân làm hại họ. Tuy nhiên, nếu con cái của nạn nhân sẵn sàng tha thứ cho kẻ phạm tội, thì Qisas sẽ được hủy bỏ.
Ngoài ra, trẻ em còn có thể thay thế Qisas bằng cách nhận bồi thường bằng tiền (còn gọi là "tiền máu"), điều này cũng được luật Hồi giáo chấp nhận.
Nói cách khác, sự sống và cái chết của Maryam nằm trong tay con gái bà.
Sau khi nghe những lời tâm sự của người thân, cô con gái quyết định không tha thứ cho mẹ mình và cũng không muốn nhận "tiền máu". Đồng nghĩa với việc cô ấy sẽ chính tay hành quyết mẹ mình.
Không ai biết tại sao trong lòng cô gái này lại nổi lên sự lạnh lùng và độc ác đến vậy. Nhiều ý kiến phỏng đoán rằng có thể cô ấy cảm thấy bị lừa dối, cũng có thể cô phẫn nộ với hành động của mẹ, hoặc thương cha cô ấy nhiều hơn.
Vào ngày 13/3, một vài ngày trước lễ hội năm mới ở Iran, chiếc xe cảnh sát áp giải Maryam đến nhà tù trung tâm Rasht.
Trên pháp trường, Maryam bị bịt mắt, cổ cô bị trói bằng thòng lọng và đứng run rẩy trên chiếc ghế. Con gái cô bước đến, lấy chiếc ghế ra và nhìn đôi chân của mẹ cô giãy giụa trên không.
Sau khi Maryam ngừng thở, bố cô là Ebrahimi đã được đưa đến pháp trường và buộc phải nhìn thi thể cô treo lơ lửng trên không. Sau đó, ông lại bị áp giải trở về.
Hiện tại, chưa rõ lý do vì sao Ebrahimi không bị kết án tử hình.
Một cô gái 19 tuổi chọn cách giết mẹ của mình, điều này thực sự gây sốc dư luận. Sau khi tin tức được đưa ra, nhiều người cho rằng cô gái đã bị tẩy não quá sâu.
Aram Bolandpaz, một phóng viên của Đài Truyền hình Quốc tế Iran, cho biết: "Bốn năm giáo dục tẩy não trong trường học, văn hóa trừng phạt cực đoan của xã hội và chế độ gia trưởng đã thuyết phục con gái của Maryam rằng giết chết mẹ là một chiến thắng."
"Bất kể nơi nào trên thế giới, Qisas là vô nhân đạo, man rợ và độc ác", Aram nói.
Đại diện nhân quyền của Iran, Mahmood Moghaddam, tin rằng vấn đề nằm ở luật pháp. "Đó là đạo luật cực đoan. Qisas góp phần gây ra bạo lực và cần phải dừng lại", ông nói.
Qisas là một trong những đạo luật cổ xưa nhất được giữ lại trong "Luật Hình sự Hồi giáo Iran 2019". Trong 7 năm qua, hơn 4.300 người đã bị hành quyết, trong đó có 115 phụ nữ.
Hình phạt tử hình theo đạo luật Qisas cũng được áp dụng đối với người phạm tội chưa thành niên. Độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với trẻ em gái là 9 tuổi và với trẻ em trai là 15 tuổi.
Vì quá tàn ác, Qisas đã gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc và ngày càng có nhiều người kêu gọi loại bỏ hình phạt này.
Theo Hoa Vũ (Nguoiduatin.vn)