Người mắc kẹt 187 giờ trong thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ phải uống nước tiểu để sống sót

16/02/2023 13:55:23

Berber, 62 tuổi, mắc chứng tiểu đường, sống sót 187 giờ trong đống đổ nát của một tòa chung cư tại tỉnh Hatay, sau khi động đất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 06/02.

Giọng của Berber khàn đặc vì liên tục phải kêu cứu dưới đống đổ nát, và rồi ông cuối cùng cũng được giải cứu ở thời điểm hơn một tuần sau khi thảm họa động đất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Các bác sĩ cho rằng dù không có nước uống, một người mắc kẹt có thể sống sót sau nhiều ngày. Thế nhưng có quá nhiều yếu tố quyết định điều đó, chẳng hạn như nạn nhân bị thương như thế nào khi tòa nhà đổ sập, hoặc thời tiết nóng hay lạnh. Lực lượng cứu hộ cho rằng bất kỳ ai sống sót qua năm ngày cũng là một phép màu.

Người mắc kẹt 187 giờ trong thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ phải uống nước tiểu để sống sót
Berber được giải cứu sau 187 giờ mắc kẹt trong đống đổ nát căn hộ của mình (Ảnh: Reuters)

Berber đã sống sót 187 giờ sau khi các bức tường của căn hộ tầng trệt nơi ông sống sập xuống nhưng được tủ lạnh và tủ chứa đồ đỡ, tạo cho ông khoảng trống đủ để ngồi lên chiếc ghế và một tấm thảm để giữ ấm. Ông chỉ có duy nhất một chai nước, và sau khi hết nước, ông phải uống nước tiểu của chính mình.

Hôm 15/02, Berber trả lời phỏng vấn trên giường bệnh tại Bệnh viện Thành phố Mersin, cách nơi ông gặp nạn ở thành phố Antakya, phía Nam tỉnh Hatay khoảng 250km. Ông nhập viện trước đó một ngày.

Berber nói xung quanh căn hộ của ông là nhiều người thân sống ở các phòng khác nhau. Ông tin họ đều sống sót.

"Khi động đất xảy ra, tôi đã đứng ngay dậy, cháu trai đang ngủ cạnh tôi. Tôi nhìn xung quanh, con trai bật đèn, lấy đèn pin ra và nói, 'Bố ơi, có động đất!'," người đàn ông 62 tuổi kể lại.

"Trong lần rung lắc thứ hai, trần nhà đổ sập nhưng không chạm vào tôi. Tôi cúi người, ngồi xuống. Bức tường đổ sập vào tủ lạnh và tủ chứa đồ. Tôi mắc kẹt ở đó. Có một tấm thảm. Tôi lấy nó trùm lên người... Tôi thấy có một cái ghế, tôi ngồi lên ghế và trùm tấm thảm," ông tiếp tục.

"Tôi la hét, la hét và la hét. Không ai nghe tôi cả. Tôi hét nhiều tới nỗi cổ họng bị đau. Tôi nghĩ con trai đã đưa bọn trẻ ra ngoài... chúng tôi có năm người, con trai và tôi ở trong phòng ngủ," Berber cho biết thêm.

Berber nói ông may mắn tìm thấy thuốc trị tiểu đường và một chai nước trên sàn nhà. Khi uống hết nước trong chai, ông buộc phải uống nước tiểu của chính mình.

Một nhân viên cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ nói người mắc kẹt dưới đống đổ nát thường sống sót tối đa 5 ngày. "Bất kể ai sống qua năm ngày đều là phép màu," người này nói.

Deniz Gezer, chuyên gia dược tại Bệnh viện Thành phố Mersin cho rằng một trong những trở ngại lớn nhất cho sự sống còn của các nạn nhân là thời tiết lạnh.

"Tuy vậy một số nạn nhân mắc kẹt ở khu vực khép kín, họ có thể sống dưới các tòa nhà, trong các khoảng không gian nhỏ khép kín. Có người có nước uống", Gezer nói.

Mohana Amirtharajah, chuyên gia phẫu thuật, cho rằng trẻ em bị mất nước nhanh hơn. Tuy vậy, bà không khuyến khích việc các nạn nhân học theo Berber để sống sót.

"Có nhiều báo cáo cho thấy các nạn nhân có thể sống sót như vậy. Nhưng dần dần, nạn nhân sẽ thấy họ bị mất nước nhiều hơn, nước tiểu của họ đặc hơn. Lượng nước trong nước tiểu của họ sẽ giảm," Amirtharajah giải thích.

Linh Giang (Nguoiduatin.vn)