Người đầu tiên ghép mặt ở Mỹ qua đời

02/08/2020 09:31:59

Bà Connie Culp, người đầu tiên ở Mỹ ghép gần như toàn bộ khuôn mặt, vừa qua đời ở tuổi 57 do các biến chứng nhiễm trùng.

Bà Connie Culp qua đời vì các biến chứng từ nhiễm trùng không liên quan đến ca cấy ghép mặt từ năm 2008, người phát ngôn của phòng khám Cleveland - Andrea Pacetti nói với CNN.

"Bà Connie thực sự là một người phụ nữ vô cùng dũng cảm, nghị lực, một người truyền cảm hứng về khát vọng sống đối với nhiều người", tiến sĩ Frank Papay - người đứng đầu Viện Da liễu và Phẫu thuật chỉnh hình bệnh viện Cleveland, người thuộc đội phẫu thuật cho bà Culp, chia sẻ.

Bà Culp bị mất một phần giữa khuôn mặt do chồng bắn súng vào năm 2004. Người phụ nữ hai con ở Ohio này đã bị mù mắt một phần, không có chức năng khứu giác và không nói được. Bà phải thực hiện một phẫu thuật mở cổ để thở.

Người đầu tiên ghép mặt ở Mỹ qua đời
Connie Culp sau phẫu thuật ghép mặt (trái) và hình ảnh của cô trước khi phải chịu phát súng oan nghiệt từ người chồng vào năm 2008. (Ảnh: Foxnews)

"Sức mạnh của bà Culp thể hiện rõ ở thực tế bà là bệnh nhân ghép mặt có thời gian sống lâu nhất cho đến nay", tiến sĩ Papay nói . "Bà ấy là người tiên phong tuyệt vời, quyết định thực hiện ca phẫu thuật ghép mặt của bà Culp đã mang lại món quà quý giá đối với nền y học của toàn nhân loại”.

Vào tháng 12/2008, bà phải trải qua ca phẫu thuật suốt 22 tiếng đồng hồ do tiến sĩ Maria Siemionow dẫn đầu, để ghép gần như toàn bộ khuôn mặt do một người tương thích hiến tặng sau khi qua đời. Các lớp mô, xương, cơ và mạch máu, mảnh ghép thần kinh, động mạch và tĩnh mạch đã được ghép nối, các bác sĩ đã lấp đầy những phần còn thiếu trên khuôn mặt bà.

Người đầu tiên ghép mặt ở Mỹ qua đời - 1
Bà Connie thực sự là một người phụ nữ vô cùng dũng cảm, nghị lực, một người truyền cảm hứng về khát vọng sống đối với nhiều người. Ảnh: Bệnh viện Cleveland.

Đây là ca ghép gần như toàn bộ khuôn mặt đầu tiên ở Mỹ. Lúc bấy giờ, đội bác sĩ trong ca phẫu thuật của bà Culp nhấn mạnh đây không phải là phẫu thuật thẩm mỹ, mục đích thực sự là khôi phục các chức năng cơ bản.

Vào năm 2010, bà Culp đã gặp gia đình của người hiến tặng - Anna Kasper ở Lakewood, Ohio. Chồng của bà Anna Kasper, ông Ron Kasper, đã nói với trang The Plaine Dealer rằng gia đình đồng ý hiến tặng mặt của người vợ quá cố cho ca phẫu thuật của bà Culp vì yếu tố quan trọng nhất "là chúng tôi biết đó là điều Anna muốn".

Bà Culp nói với CNN vào thời điểm đó rằng bà rất hạnh phúc với ca phẫu thuật cấy ghép. "Giờ đây tôi có thể ngửi được rồi. Tôi có thể ăn steak, tôi có thể ăn hầu hết đồ ăn cứng, vậy nên mọi thứ đang tốt lên nhiều".

Người phụ nữ giàu nghị lực này cũng đăng ký hiến tạng sau khi mất và tham gia phát biểu ở nhiều sự kiện về trải nghiệm của bản thân.

Thiên Bình (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật