Ngành y tế đôi khi có những câu chuyện khiến nhiều người phải bất ngờ, như câu chuyện dưới đâu là một ví dụ.
Năm 2017, một người đàn ông 69 tuổi nhập viện vì huyết áp xuống thấp 1 cách bất thường. Ông đã không qua khỏi, tử vong chỉ 2 ngày sau đó, còn thi thể thì được mang đi hỏa táng.
Câu chuyện những tưởng chỉ có vậy, nhưng không! Điều mà các nhân viên bệnh viện cùng lò hỏa táng không biết, đó là người đàn ông ấy là một bệnh nhân ung thư - cụ thể là ung thư tuỵ, và đó cũng chẳng phải lần duy nhất ông nhập viện.
Trước đó 1 ngày, người này đã được tiêm hóa chất phóng xạ để điều trị khối u của mình. Và ở thời điểm được đem đi hỏa táng, liều phóng xạ lutetium Lu 177 nguy hiểm vẫn còn đang ở trong thi thể ấy, chắc chắn là như vậy!
Câu chuyện trên được ghi nhận trong một báo cáo vào năm 2019, và nó mở ra một hiện thực mang đầy tính rủi ro của ngành y, khi có đến 18,6 triệu liệu trình sử dụng phóng xạ được thực hiện tại nước Mỹ mỗi năm.
Khi cái chết chưa phải là hết
Phóng xạ là một chất nguy hiểm, vậy nên có những quy định quản lý dược phẩm phóng xạ rất nghiêm ngặt. Nhưng các quy định ấy vốn dành cho bệnh nhân còn sống, trong khi câu chuyện trở nên thiếu rõ ràng khi bệnh nhân tử vong vì quy định khác biệt giữa các tiểu bang.
"Dược phóng xạ hiện là một vấn đề thường bị bỏ qua khi xử lý thi thể," - các chuyên gia tại bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ) cho biết.
"Khi hỏa thiêu một thi thể được tiêm phóng xạ, các chất phóng xạ bên trong có thể bị nhân viên hỏa thiêu hít phải, hoặc lan rộng ra cộng đồng. Mức độ tiếp xúc sẽ lớn hơn rất nhiều so với khi bệnh nhân còn sống."
Với trường hợp của bệnh nhân này thì ngay sau khi các bác sĩ điều trị và sở an toàn phóng xạ biết vụ việc, họ đã liên hệ với cơ sở hỏa táng. Gần 1 tháng sau đó, họ sử dụng máy đo bức xạ Geiger để xác định mức độ phóng xạ có trong nhà hỏa táng cùng các vật dụng khác - như lò hỏa thiêu, bộ lọc, máy nghiền cốt...
Kết quả, nồng độ phóng xạ xác nhận được ở mức thấp nhưng có xu hướng tăng dần, và thủ phạm chính là lutetium Lu 177 - chất phóng xạ được tiêm để điều trị cho nạn nhân nói trên.
"Tình hình không đến nỗi như Chernobyl hay Fukushima, nhưng nó cao hơn những gì được dự đoán," - trích lời chuyên gia an toàn phóng xạ Kevin Nelson. Dù không có bằng chứng xác thực về việc số chất phóng xạ trong lò hỏa táng thực sự đến từ thi thể nạn nhân, nhưng đó là lời giải phù hợp nhất ở thời điểm bấy giờ. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận việc có phóng xạ tồn tại trong các lò hỏa táng tại Mỹ.
Và câu chuyện vẫn chưa dừng lại
Sau khi tìm được lượng phóng xạ, các nhà nghiên cứu quyết định xét nghiệm nước tiểu của nhân viên làm việc tại lò hỏa táng để xác định mức độ phơi nhiễm.
Kết quả thì thật ngạc nhiên: họ không có dấu hiệu phơi nhiễm lutetium Lu 177. Thay vào đó là một đồng vị phóng xạ khác là technetium Tc 99m. Các nhân viên cho biết họ chưa từng làm gì để phải tiếp xúc với chất này.
Bởi vậy, các chuyên gia đưa ra một kết luận hợp lý nhất: những người làm việc tại lò hỏa táng chỉ có thể tiếp xúc với technetium Tc 99m trong quá trình hỏa thiêu những thi thể khác. Và nếu họ đúng thì đây là tiền đề cho một vấn đề lớn hơn nữa, liên quan đến quy trình xử lý thi thể của toàn bộ hệ thống.
Cần lưu ý rằng mức độ phóng xạ đo được là rất nhỏ, nên dù có vô tình lan rộng ra thì cũng không quá nguy hiểm. Theo như Bác sĩ Paolo Boffetta, lượng phóng xạ như vậy khó lòng gây ung thư hoặc tạo ra các biến chứng nguy hiểm khác liên quan.
"Tuy nhiên, nếu một người tiếp xúc với lượng phóng xạ này thường xuyên, có lẽ sẽ cần phải lo ngại."
Trên thực tế, hơn 1/2 người Mỹ hiện nay chọn hình thức hỏa thiêu. Bởi vậy, việc xử lý thi thể sau khi điều trị phóng xạ trên toàn hệ thống y tế nước Mỹ cần phải lưu ý về vấn đề này. Các chuyên gia tin rằng sẽ cần phải đo lường, đánh giá mức độ nhiễm xạ của thi thể trước khi hỏa táng, và đặt ra quy chuẩn chung đối với những người sử dụng dịch vụ. Bởi xét cho cùng, hiện cũng không ai biết câu chuyện này đã xảy ra trong bao lâu, và mức độ thường xuyên là như thế nào.
"Họ chỉ tình cờ phát hiện ra sự việc, vì bình thường chẳng ai để ý," - chuyên gia hạt nhân Marco Kaltofe từ Viện Bách khoa Worcester tại Massachusetts nhận định.
Theo J.D (Pháp luật & Bạn đọc)