Động thái trên diễn ra hơn 2 tháng sau khi tập đoàn dược phẩm khổng lồ AstraZeneca và các nhà khoa học tại Đại học Oxford phát hành vaccine COVID-19. Giới chuyên gia cho rằng, những gì đang xảy ra với vaccine AstraZeneca có thể là do "phản ứng dây chuyền domino" và sẽ "lợi bất cập hại" cho cuộc chiến chống COVID-19.
Trước báo cáo về một số trường hợp tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca bị chứng rối loạn đông máu, một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Pháp, Đức, Italy, Thụy Điển đã ngừng triển khai chương trình tiêm chủng vaccine này.
Tuy nhiên, Cơ quan Dược phẩm châu Âu ( EMA) cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy, các sự cố này là do việc tiêm vaccine gây ra. Quan điểm này cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định trước đó.
AstraZeneca đã công bố dữ liệu an toàn sẵn có của hơn 17 triệu người đã được tiêm vaccine của hãng tại EU và Anh. Dữ liệu cho thấy, không có bằng chứng về việc làm tăng các nguy cơ như tắc mạch phổi, đông máu, hoặc giảm tiểu cầu ở bất kỳ nhóm tuổi, giới tính nào.
Theo các chuyên gia, việc một số nước EU ngừng triển khai tiêm vaccine AstraZeneca có thể là một dạng "hiệu ứng domino" trong bối cảnh khối này đang chịu nhiều áp lực về chương trình tiêm chủng. EU vốn đã chịu nhiều chỉ trích về chương trình tiêm chủng trì trệ, do đó việc xảy ra xu hướng ngừng tiêm vaccine AstraZeneca trong khối có thể lại dẫn đến những hậu quả khó lường.
Những quốc gia tạm dừng sử dụng vaccine AstraZeneca chỉ mới bắt đầu chương trình tiêm chủng. Tại EU, chưa đầy 10% dân số nhận được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Các chuyên gia lo ngại, việc ngừng sử dụng có thể gây thêm nghi ngờ về tính an toàn và hiệu quả không chỉ riêng vaccine AstraZeneca mà đối với tất cả các loại vaccine khác trong một bộ phận dân chúng.
Theo An Ngọc (VTV)