Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và các thành viên khác trong nội các Thái Lan được lên lịch tiêm vaccine hôm 12/03, trước khi nước này tạm đình chỉ việc sử dụng vaccine của AstraZeneca sau những báo cáo về các ca bệnh đông máu khiến một số nước châu Âu cũng dừng tiêm.
Bộ trưởng Y tế Thái Lan hôm 15/03 cho biết chương trình tiêm chủng sẽ tiếp tục, sau khi nhiều quốc gia thông báo không ghi nhận hiện tượng đông máu sau khi tiêm vaccine.
"Hôm nay tôi sẽ giúp nâng cao niềm tin của công chúng," ông Prayuth nói với các phóng viên tại Tòa nhà Chính phủ Thái Lan, trước khi được tiêm vào tay trái.
Prayuth, 67 tuổi, cho biết ông thấy bình thường sau khi được tiêm vaccine.
Thái Lan bắt đầu tiên chủng cho nhân viên y tế tiền tuyến và các nhóm đối tượng khác, bao gồm các quan chức chính phủ nhờ nguồn vaccine nhập khẩu, tuy vậy chiến dịch tiêm chủng của nước này phụ thuộc nhiều vào việc sản xuất vaccine của AstraZeneca trong nước.
Vaccine của AstraZeneca theo kế hoạch sẽ được sản xuất bởi một công ty trong nước, với tổng cộng 61 triệu liều đặt trước cho toàn bộ dân số.
Vaccine sản xuất trong nước sẽ được đưa vào sử dụng từ tháng 06, khi Thái Lan bắt đầu kế hoạch tiêm chủng diện rộng.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và các thành viên nội các được tiêm vaccine AstraZeneca nhập khẩu. Nước này trước đó nhập 117.300 liều để sử dụng khẩn cấp.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng nhập 200.000 liều vaccine CoronaVac của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinovac. 800.000 liều vaccine này sẽ được nhập vào ngày 25/03, và khoảng 1 triệu liều nữa vào tháng 04, theo Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul.
Bốn hãng dược đã xin cấp phép vaccine Covid-19 tại Thái Lan. AstraZeneca và Sinovac đã được phê duyệt, trong khi Johnson & Johnson và Bharat Biotech Technology đang chờ đánh giá.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)