Trước hàng trăm lãnh đạo, quan chức các quốc gia cũng như các chuyên gia quốc tế tại Diễn đàn An ninh Munich, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel gióng lên hồi chuông cảnh báo sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc có thể làm thay đổi trật tự thế giới đã tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới 2.
"Đằng sau sáng kiến hình thành con đường tơ lụa mới là nỗ lực xây dựng một hệ thống quốc tế định hình lại thế giới với lợi ích của Trung Quốc làm trung tâm", ông Gabriel nói.
Tham vọng thay đổi trật tự thế giới
Diễn đàn An ninh Munich năm nay quy tụ lãnh đạo từ hàng chục quốc gia, bao gồm các quan chức Trung Quốc. Nhưng, ông Gabriel chẳng hề e ngại, ông cáo buộc Bắc Kinh đang thách thức sự đoàn kết của Liên minh châu Âu EU khi tìm cách áp đặt ảnh hưởng lên một số nước bằng chiêu bài "cây gậy và củ cà rốt".
Theo ông Gabriel, Trung Quốc đã đổ 5.000 tỷ USD vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng khắp nơi trên thế giới trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, Con đường (OBOR). Nhà ngoại giao Đức tin rằng Bắc Kinh đang tìm cách phát triển một hệ thống quốc tế nhằm thay thế hệ thống tự do của phương Tây.
"Trong tương lai lâu dài, tôi chắc chắn rằng cả châu Âu và Mỹ sẽ không vui vẻ gì khi trật tự thế giới hiện nay bị tái định hình", ông Gabriel nhận định.
Hệ thống tự do của phương Tây đã định hình và thay đổi thế giới từ đống tro tàn của Chiến tranh thế giới 2. Nhưng nay, trật tự thế giới này đang ngày càng lộ ra những điểm yếu, tạo cơ hội cho các quyền lực mới nổi tham gia vào ván bài và thay đổi luật chơi.
Nhiều năm qua, Trung Quốc đã có những khoản đầu tư khổng lồ vào châu Phi, Nam Á và Tây Á. Ngoại trưởng Đức tin rằng đã đến lúc EU khởi động những sáng kiến riêng của khối để phát triển cơ sở hạ tầng từ Đông Âu cho tới Trung Á cũng như châu Phi, bằng nguồn tài chính của khối và đáp ứng những chuẩn mực khắt khe của châu Âu, để tạo ra cân bằng chiến lược.
"Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có sáng kiến địa chiến lược toàn cầu thực thụ. Sự gia tăng về tầm ảnh hưởng toàn cầu (của Trung Quốc) có thể tạo ra những thay đổi to lớn về trật tự thế giới, mang lại những hệ quả không thể lường trước", ông Gabriel nhận định.
Châu Âu chia rẽ vì "Vành đai, Con đường"
Ngoại trưởng Đức không phải là chính trị gia châu Âu duy nhất e ngại khi Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng thông qua Vành đai, Con đường. Nhiều chính khách châu Âu coi sáng kiến nghìn tỷ USD của Trung Quốc là một trong những thách thức đối với chủ nghĩa tự do của phương Tây.
"Châu Âu không thể để Trung Quốc một tay thao túng Con đường tơ lụa mới", Thủ tưởng Pháp Édouard Philippe nhận định.
Trong một bài phát biểu tháng 9/2017, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đề xuất châu Âu xây dựng khung pháp lý về rà soát đầu tư nhằm thẩm tra các công ty thuộc sở hữu của chính phủ nước ngoài tham gia đấu giá quyền sở hữu các cảng biển ở châu Âu, các cơ sở hạ tầng năng lượng hoặc các công ty quốc phòng. Đây đều là những đối tượng mà các tập đoàn nhà nước Trung Quốc dành sự quan tâm.
Tháng trước, Thủ tướng Anh Theresa May có chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc. Tại đây, bà May đã khiến Bắc Kinh thất vọng khi từ chối ủng hộ sáng kiến Vành đai, Con đường.
Uy tín của "Vành đai, Con đường" cũng gặp nhiều chỉ trích bởi sự thiếu minh bạch về tài chính cũng như phụ thuộc quá lớn vào các nhà thầu Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, các công ty Trung Quốc trúng thầu 89% các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do Bắc Kinh hỗ trợ tại châu Á và châu Âu.
Nhưng sáng kiến tỷ USD của Trung Quốc vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ, đặc biệt từ các nước kém phát triển hơn tại châu Âu. Hungary, thành viên đóng góp chỉ 0,8% GDP của EU, là quốc gia đầu tiên gia nhập sáng kiến Vành đai, Con đường. Tháng 5/2017, Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng tuyên bố các nước Trung Âu sẽ trở thành những "trụ cột lý tưởng" cho sáng kiến của Trung Quốc.
"Chúng tôi luôn quan tâm tới cách để thay thế đối đầu Đông - Tây bằng sự hợp tác", ông Orban nói. Vị thủ tưởng ca ngợi chính sách của Bắc Kinh là "hình mẫu mới của toàn cầu hóa".
Hy Lạp, quốc gia đã nhiều năm chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, là thành viên khác ủng hộ "Vành đai, Con đường". Với khoản đầu tư hơn 600 triệu USD, tập đoàn nhà nước Trung Quốc Cosco hiện nắm giữ quyền điều hành cảng Piraeus, cảng biển bận rộn nhất Địa Trung Hải. Năm 2017, chính phủ Hy Lạp cũng đề xuất kế hoạch tư hữu hóa khoảng 80 tỷ USD tài sản công, trong đó nhiều khách hàng là các tập đoàn Trung Quốc.
Đầu tháng 2 vừa qua, một chính trị gia danh tiếng khác của châu Âu là Danilo Turk, cựu thủ tướng Slovenia, lên tiếng ủng hộ "Vành đai, Con đường" khi khẳng định sáng kiến này sẽ trở thành cầu nối xóa bỏ khoảng cách giữa các nước Đông Âu đang phát triển với các nước Tây Âu giàu có.
"Dù có thích nó hay không, thực tế là 'Vành đai, Con đường' sẽ trở thành một cơ chế mới giống như WTO", Joe Kaeser, giám đốc điều hành tập đoàn Siemens, nhận định.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)