Ngoại trưởng Đức: "Tổng thống Erdogan đã đi quá giới hạn"

20/03/2017 09:47:00

Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức bùng phát trở lại sau những cáo buộc "hành xử kiểu quốc xã" của Tổng thống Erdogan với cá nhân Thủ tướng Đức Merkel

Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức bùng phát trở lại sau những cáo buộc "hành xử kiểu quốc xã" của Tổng thống Erdogan với cá nhân Thủ tướng Đức Merkel

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết đã nói thẳng với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ rằng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, "đã đi quá giới hạn" khi cáo buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel "có cách hành xử kiểu quốc xã".

"Chúng tôi rộng lượng nhưng chúng tôi không ngốc", Bộ trưởng Sigmar Gabriel phát biểu trên nhật báo Đức Passauer Neue Presse phát hành sáng nay (20-3).

“Cho đến giờ, Berlin đã tránh đổ dầu vào lửa khi cho rằng những phát ngôn đó chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của Erdogan”, Ngoại trưởng Đức hướng chỉ trích vào cá nhân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Vị lãnh đạo ngoại giao Đức mô tả những phát ngôn của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là "gây sốc".

Sáng ngày 19-3, Tổng thống Erdogan lại gây sốc với tuyên bố nhắm vào bà Merkel theo kiểu cách không còn ngoại giao.

Phát ngôn của ông được cho là vì bực tức chuyện bị chính quyền các địa phương của Đức cấm đoán việc tổ chức các buổi tụ tập nói chuyện với cộng đồng người Thổ sinh sống tại Đức. Trong ý định của phía Thổ, một số bộ trưởng sẽ đi “vận động” ở một số quốc gia châu Âu có đông ngưởi Thổ sinh sống về cuộc trưng cầu dân ý cải tổ Hiến pháp cho phép mở rộng quyền hạn của Tổng thống.

Hồi đầu tháng này, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã có cáo buộc tương tự với Đức bằng từ ngữ rất nhạy cảm là “quốc xã”. Kiểu dùng từ ngữ đó đã gây phản ứng mạnh từ Berlin, Brussels và Paris.

Chính quyền Hà Lan cũng đã bị cáo buộc bằng cụm từ “phát xít” vì có quyết định cấm tương tự với các cuộc tụ tập của cộng đồng người Thổ.

Lần này, phía Đức đã phản ứng mạnh với Thổ bởi trên truyền hình, Tổng thống Erdogan cáo buộc: "Khi chúng ta gọi họ (Đức) là quốc xã, chắc chắn họ không hài lòng. Họ sẽ đồng lòng phản ứng. Đặc biệt là Merkel”.

Đáng kể hơn là khi nói xong câu trên thì ông Erdogan phát biểu như muốn nói với Thủ tướng Đức: "Nhưng thực sự là lúc này bà có kiểu hành xử quốc xã. Chống lại ai à? Đó là chống lại anh em người Thổ của tôi ở Đức và chống lại các bộ trưởng anh em của tôi”.

"Dạ tiệc hóa trang đã chấm dứt rồi!", Tổng thống Erdogan cáo buộc, hàm ý cho rằng châu Âu, đặc biệt là Đức, chơi trò đạo đức giả khi chứa chấp các nhóm khủng bố (những người Kurd chống chính quyền Ankara và những người bị kết tội tham gia đảo chính đang trốn sang Đức xin tị nạn chính trị).

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố đã triệu tập Đại sứ Đức tại Ankara vào ngày 19-3 để phản đối chuyện cho phép người Kurd tổ chức biểu tình ở thành phố Frankfurt trong đó có những người mang theo cờ của Đảng công nhân người Kurd (PKK), kêu gọi bỏ phiếu "không" trong cuộc trưng cầu dân ý sẽ tổ chức vào ngày 16-4 tới.

Sự căng thẳng từ phía lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn được cho là phát xuất từ bài trả lòi phỏng vấn của giám đốc tình báo Đức đăng tải ngày 18-3 trong đó ông này khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không thuyết phục được Berlin về trách nhiệm của giáo sĩ Gülen trong cuộc đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7-2016. Thậm chí người phát ngôn của Tổng thống Erdogan còn cáo buộc Đức đã hỗ trợ cho vụ đảo chính đó.

Ngoại trưởng Đức: 'Tổng thống Erdogan đã đi quá giới hạn'
Khoảng 30.000 người Kurd đã tham gia biểu tình ở Frankfurt (Đức) với biểu ngữ "Chống lại độc tài" vào ngày 18-3 - Ảnh: DPA

Theo Hoàng Duy Long (Tuổi Trẻ)