Nghiệt ngã cách Minh triều đối xử với những phần tử trí thức

22/07/2016 09:37:00

Hầu như ở bất cứ triều đại phong kiến Trung Quốc nào, quan lại hay các phần tử trí thức nói chung đều được trọng dụng. Thế nhưng, điều đó có vẻ không đúng với triều đại "quái thai" này.

Hầu như ở bất cứ triều đại phong kiến Trung Quốc nào, quan lại hay các phần tử trí thức nói chung đều được trọng dụng. Thế nhưng, điều đó có vẻ không đúng với triều đại "quái thai" này.

Nghiệt ngã cách Minh triều đối xử với những phần tử trí thức

Đã từng có không ít vụ thảm án mà ở đó, chỉ cần xảy ra là không biết bao nhiêu trí thức bị vua ban lệnh xử tử, bất luận là tội lớn hay nhỏ. Thậm chí, nhiều người chỉ vì những chuyện hư cấu mà bị cả thái giám làm nhục, lôi đi phạt đánh đến thập tử nhất sinh.

Phạt đánh là "tội" còn nhẹ. Một khi "tội nặng", họ sẽ bị thái giám Đông, Tây xưởng sờ đến, phải vào nhà giam. Nhiều người chết mà không biết vì sao phải chết.

Trong lịch sử Trung Hoa, Nguyên triều cũng là một triều đại để lại tiếng xấu với hành động "tiêu diệt hiền tài". Nhưng, cần phải nhấn mạnh rằng, thống trị triều đại này là người Mông Cổ.

Không chỉ giết người có học mà bất cứ ai mang dòng máu Hán tộc đều bị người Mông Cổ triệt đường sống, bị đạp xuống đáy của xã hội.

Vì thế, có lẽ không nên đem cách Minh triều đối xử với các phần tử trí thức so sánh với Nguyên triều để "giảm nhẹ" mức độ "quái thai" cho triều đại này.

Nghiệt ngã cách Minh triều đối xử với những phần tử trí thức - Ảnh 1.

Đầu thời Minh, chỉ cần Chu Nguyên Chương tỏ ý nghi ngờ, nổi cơn thịnh nộ, đến công thần cùng ông ta gây dựng cơ đồ cũng không giữ được mạng sống chứ chưa nói đến quan lại bình thường. Ảnh minh họa.

Khổ như quan lại Minh triều

Từ cổ chí kim, các triều đại trong lịch sử phong kiến Trung Quốc đều có xu hướng trọng dụng nhân tài. Cho dù họ có bị khép tội chết thì cũng là "ban" cho cái chết, trước khi xử tử đều có thông báo rõ ràng, ít nhất cho phép họ giữ được lòng tự tôn, sĩ diện.

Tuy nhiên, đến thời kỳ nhà Minh, các phần tử trí thức không chỉ bị Hoàng đế xử tội chết mà ngay cả tầng lớp thái giám cũng có "đặc quyền"mặc sức làm càn, bị đánh, bị giam, chết oan ức trong tù ngục.

Cùng với việc tính mạng bị xem nhẹ, ngay cả thu nhập, đãi ngộ trung bình Minh triều dành cho các phần tử có học thức trong xã hội cũng không cao.

Nguyên nhân là bởi, Chu Nguyên Chương – người sáng lập Minh triều xuất thân là một kẻ ăn mày, không biết chữ. Trong con người ông ta dường như không có sự cảm mến dành cho những sĩ tử học rộng tài cao, vì thế mà cách đối xử với họ cũng trở nên tệ bạc, hà khắc.

Nghiệt ngã cách Minh triều đối xử với những phần tử trí thức - Ảnh 2.
Quan lại dưới triều Minh thường không được đối xử tử tế, ưu đãi như các triều đại trước đó. Ảnh minh họa.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Kỷ Liên Hải (Trung Quốc), quan viên Minh triều có lẽ là những người nghèo nhất trong lịch sử thế giới từ trước đến nay, với đồng lương vô cùng ít ỏi.

Công bổng mà họ nhận được thấp đến mức nếu không tham ô sẽ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Cả đời, họa chỉ có dịp mẹ già đón đại thọ 80 trở ra mới được 1kg thịt.

Tuy nhiên, chỉ cần viên quan nào đó tham ô bị phát hiện, ông ta sẽ bị xử lý vô cùng mạnh tay.

Dưới thời Minh, Chu Nguyên Chương thậm chí còn ban bố một quy định, cho phép hay nói đúng hơn là yêu cầu quần chúng phải giám sát quan lại địa phương.

Chỉ cần cảm thấy quan lại có hành vi tham ô, dù không có chứng cứ cụ thể, cũng có thể tập trung một nhóm người, áp giải viên quan đó lên kinh thành xử lý. Và trên thực tế, đã có quan lại từng bị dân áp tải vào kinh thành luận tội.

Thông thường, trong xã hội phong kiến Trung Quốc, dưới thời các triều đại như Đường, Tống, quan lại trí thức mỗi năm trung bình được nghỉ phép 100 ngày. Dưới thời Hán, thời gian này tối thiểu cũng được 5 ngày và có các ngày lễ không phải đi làm, đãi ngộ cũng khá tốt.

Tuy nhiên đến thời Minh, ban đầu cũng đã có người đề xuất, hỏi Chu Nguyên Chương về thời gian nghỉ phép cho quan lại. Không ngờ, vị Hoàng đế này chỉ lạnh lùng: "Họ cần nghỉ phép để làm gì?" và cuối cùng chốt lại là, mỗi năm, quần thần, quan lại chỉ được phép nghỉ 3 ngày.

Tất cả các phần tử trí thức đến thời Minh đều phải sống những năm tháng vô cùng thê thảm.

Có lẽ họ sẽ ước được xuyên thời gian trở về các triều đại như Đường, Tống để được hưởng phúc lộc tương xứng với công sức bỏ ra. Còn với tầng lớp thái giám ở các triều đại trước đó, hẳn họ sẽ muốn vượt thời gian đến sống dưới triều đại nhà Minh để được mặc sức tung hoành.

Nghiệt ngã cách Minh triều đối xử với những phần tử trí thức - Ảnh 3.
Nhân vật thái giám khét tiếng dưới thời Minh - Ngụy Trung Hiền trong phim truyền hình Trung Quốc.

Sở dĩ có khả năng đó là bởi không một triều đại nào, thái giám lại lộng hành như dưới thời Minh. Thái giám nắm trong tay quyền sinh quyền sát, quyền điều hành quân đội, quyền thu thuế…

Ngay cả những cơ quan đặc vụ như Đông xưởng hay Tây xưởng cũng đều một tay thái giám điều hành.

Những thái giám khét tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa như Ngụy Trung Hiền, Vương Chấn… đều xuất hiện trong giai đoạn lịch sử này.

Trong khi đó, ở các triều đại trước, thái giám chỉ là hoạn quan, là nô bộc trong hoàng cung một cách đúng nghĩa.

Theo Nguyễn Nhung (Thế Giới Trẻ/Infonet.vn)