Nghiên cứu mới của Mỹ chỉ ra mức độ giảm hiệu quả của vaccine Covid-19 Pfizer và Moderna

20/09/2021 15:34:02

Trong bối cảnh giới khoa học lo ngại sự bảo vệ mà vaccine ngừa Covid-19 tạo ra có thể suy giảm theo thời gian, báo cáo mới của CDC Mỹ cho thấy vaccine Pfizer giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng lớn hơn so với vaccine của Moderna.

Nghiên cứu mới của Mỹ chỉ ra mức độ giảm hiệu quả của vaccine Covid-19 Pfizer và Moderna
Một nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer (Ảnh: New York Times)

Dữ liệu thu thập từ 18 tiểu bang ở Mỹ trong giai đoạn từ tháng 03 tới 08 cho thấy vaccine của Pfizer-BioNTech giảm nguy cơ nhập viện vì Covid-19 tới 91% trong bốn tháng đầu sau khi tiêm liều thứ hai. Tuy vậy sau mốc 120 ngày, hiệu quả này giảm xuống chỉ còn 77%.

Trong khi đó, vaccine của Moderna đạt hiệu quả 93% trong việc giảm nguy cơ ngắn hạn nhập viện vì Covid-19, và sau mốc 120 ngày vẫn duy trì ở mức 92%.

Khoảng 54% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ đã sử dụng vaccine của Pfizer, theo Los Angeles Times.

Kết quả nghiên cứu được công bố trong bối cảnh ban cố vấn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đề xuất chưa tiêm bổ sung vaccine Pfizer cho người Mỹ từ 16 tuổi trở lên. Có tới 16 trong tổng số 18 chuyên gia của ban cố vấn này cho rằng dữ liệu ở thời điểm hiện tại là chưa đủ để khuyến khích tiêm liều bổ sung.

Trước đó, đại diện của Pfizer đã gửi thư cho ban cố vấn của FDA Mỹ, chỉ ra rằng kết quả thử nghiệm lâm sàng trên 306 tình nguyện viên của thấy vaccine liều bổ sung sẽ "khôi phục" tỷ lệ hiệu quả 95%.

Các quan chức của Pfizer cũng đưa ra bằng chứng từ Israel, quốc gia đã triển khai tiêm chủng liều thứ ba sau khi chứng kiến tình trạng ngày càng nhiều người được tiêm đủ hai liều vẫn phải nhập viện vì Covid-19. Số ca nhập viện đã giảm mạnh sau khi người dân được tiêm liều bổ sung, theo giới khoa học Israel.

Tuy vậy, ban cố vấn của FDA Mỹ nhấn mạnh rằng dù Pfizer đã đưa ra nhiều dẫn chứng nhưng họ chưa tìm đủ bằng chứng cho thấy liều bổ sung là an toàn đối với người trẻ tuổi và đối với những người không có nguy cơ bệnh nặng.

"Chúng ta cần thêm dữ liệu cụ thể dựa trên độ tuổi" về mức độ an toàn và lợi ích bảo vệ của vaccine liều bổ sung, bác sĩ Ofer Levy, một thành viên của ban cố vấn FDA cho biết.

FDA phê duyệt liều vaccine thứ ba cho người từ 16 tuổi trở lên sẽ là động thái khiến tiêm bổ sung "gần như là bắt buộc", theo tiến sĩ Eric Rubin, thành viên ban cố vấn. Rubin lo ngại rằng động thái như vậy sẽ định nghĩa lại như thế nào là được tiêm chủng ngừa Covid-19 đầy đủ.

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn cấp cao của tổng thống Mỹ Joe Biden về vaccine, đã bày tỏ quan điểm ủng hộ tiêm bổ sung vaccine. Trước khi ban cố vấn của FDA Mỹ bỏ phiếu, ông Fauci đã tuyên bố rằng không ủng hộ liều bổ sung "sẽ là một sai lầm".

Hồi giữa tháng 08, tổng thống Biden cho biết chính quyền của ông từ ngày 20/09 sẽ triển khai tiêm bổ sung cho người tiêm đủ hai mũi ít nhất tám tháng.

Giới nghiên cứu ở Mỹ trong những tháng gần đây cảnh báo miễn dịch do vaccine Covid-19 tạo ra có thể suy giảm. CDC Mỹ báo cáo rằng hồi cuối tháng 07, gần 3/4 trong tổng số 469 người nhiễm Covid-19 tại một ổ dịch ở bang Massachusetts đã được tiêm chủng đầy đủ.

Cơ quan này cũng đang tiến hành nhiều nghiên cứu đánh giá sự thay đổi về hiệu quả của vaccine trên nhân viên y tế và những người được tiêm chủng sớm.

Tuy vậy, hầu hết các trường hợp nhiễm Covid-19 sau khi đã tiêm đủ hai liều vaccine đều rất nhẹ. Các quan chức y tế cũng nhiều lần ca ngợi vaccine đã giúp đại đa số người tiêm đủ hai liều không phải nhập viện.

Thời điểm vaccine của Moderna được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hồi tháng 12/2020, hãng này báo cáo 30 người tham gia thử nghiệm lâm sàng nhiễm Covid-19 nặng, trong đó có 9 người phải nhập viện. 30 người này đều được tiêm giả dược, do đó hiệu quả chống bệnh nặng của vaccine là 100%.

10 người trong thử nghiệm lâm sàng ban đầu của Pfizer mắc Covid-19 nặng. 9 người trong số này thuộc nhóm tiêm giả dược, bao gồm bảy người phải nhập viện, do đó hiệu quả chống bệnh nặng là 88,9%.

Khi vaccine của Pfizer và Moderna được đưa ra thị trường, dữ liệu cho thấy hiệu quả ngăn ngừa nhập viện vì Covid-19 của hai sản phẩm tương đương nhau, ở mức 91% của Pfizer và 93% của Moderna.

Tuy vậy, xét về hiệu quả sau mốc 120 ngày kể từ khi tiêm liều thứ hai, vaccine của Moderna đạt hiệu quả ngăn ngừa nhập viện 92%, trong khi vaccine của Pfizer chỉ đạt 77%.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật