Khoảng 221 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech đã được tiêm ở Mỹ, trong khi con số này đối với vaccine của Moderna là 150 triệu, theo New York Times.
Nghiên cứu mới nhất được công bố hôm 22/09 trên tuần san The New England Journal of Medecine đánh giá hiệu quả trên thực tế của các loại vaccine trong phòng ngừa Covid-19 có triệu chứng ở khoảng 5.000 nhân viên y tế tại 25 bang.
Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine của Pfizer-BioNTech có hiệu quả 88,8%, còn sản phẩm của Moderna cho hiệu quả 96,3%.
Nếu sự chênh lệch về hiệu quả tiếp tục tăng, những tranh cãi về việc tiêm vaccine liều bổ sung có thể sẽ tiếp tục. Các cơ quan liên bang Mỹ tuần này đã phê duyệt liều bổ sung vaccine Pfizer-BioNTech cho người 65 tuổi trở lên và người có nguy cơ cao trước Covid-19.
Các nhà khoa học trước đây nghi ngờ những báo cáo về chênh lệch hiệu quả giữa vaccine của Moderna và Pfizer-BioNTech, tuy vậy trong thời gian qua họ đã bị thuyết phục rằng sự khác biệt là có thực, dù khá nhỏ.
"Chúng tôi ban đầu cho rằng các loại vaccine mRNA hoạt động tương tự nhau, tuy vậy đã bắt đầu thấy sự khác biệt. Sự khác biệt đó không quá lớn, nhưng ổn định," Natalie Dean, một nhà thống kê sinh học thuộc Đại học Emory ở Atlanta (Mỹ) cho biết.
Tuy vậy, sự khác biệt là khá nhỏ, và hệ quả trên thực tế vẫn chưa rõ ràng, bởi cả hai loại vaccine đều rất hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện.
"Người được tiêm vaccine Pfizer không có gì phải lo lắng về việc họ được tiêm vaccine kém hiệu quả hơn," John Moore, chuyên gia virus của trung tâm y tế Weill Cornell tại New York nói.
Mỹ mới chỉ phê duyệt ba loại vaccine của Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson. Trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng ban đầu, giới nghiên cứu kết luận rằng vaccine Johnson & Johnson có hiệu quả thấp hơn hai loại còn lại.
Tuần này, Johnson & Johnson thông báo họ đã phát triển thành công liều thứ hai của vaccine, tăng hiệu quả của nó lên ngang hàng vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna.
Vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna đều được phát triển dựa trên nền tảng mRNA. Ở các thử nghiệm lâm sàng ban đầu, hai loại vaccine này có hiệu quả tương đương trong phòng ngừa Covid-19 có triệu chứng: 95% đối với Pfizer-BioNTech và 94% đối với Moderna. Đây là lý do vì sao giới chuyên gia ban đầu tin rằng hai loại vaccine có hiệu quả tương đương.
Hai loại vaccine đã được so sánh trong các nghiên cứu được thiết kế tỉ mỉ, do đó dữ liệu cho thấy sự khác biệt về hiệu quả hầu hết dựa trên đánh giá.
Theo New York Times, kết quả những nghiên cứu như vậy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có địa điểm, độ tuổi và thời gian nhóm người được tiêm chủng, khoảng thời gian giữa hai liều vaccine.
"Tôi không tin rằng thực sự có khác biệt về hiệu quả. Tôi không nghĩ chúng ta có đủ dữ liệu để kết luận như vậy," Bill Gruber, phó chủ tịch Pfizer nói.
Tuy vậy, các nghiên cứu đánh giá gần đây lấy dữ liệu từ nhiều nơi, bao gồm Qatar, Bệnh viện Mayo ở Minnesota và nhiều bang khác tại Mỹ, cũng như từ nhiều nhóm đối tượng như nhân viên y tế, cựu chiến binh và các nhóm dân số khác.
Trong những nghiên cứu đó, hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 nặng của vaccine Moderna vào khoảng 92-100%, còn của vaccine Pfizer-BioNTech kém hơn từ 10-15%.
Sự khác biệt lớn nhất nằm ở hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh. Cả hai loại vaccine đều giảm khả năng bảo vệ theo thời gian, đặc biệt trước sự xuất hiện của biến thể Delta, tuy vậy vaccine của Pfizer-BioNTech giảm sâu hơn. Trong hai nghiên cứu gần đây, vaccine của Moderna ngăn ngừa nhiễm bệnh tốt hơn tới hơn 30%.
Một số nghiên cứu cho thấy vaccine Pfizer-BioNTech giúp sản sinh lượng kháng thể chỉ bằng 1/3 hay 1/2 so với vaccine của Moderna. Tuy vậy, điều này không đáng kể, bởi có những cá nhân khỏe mạnh có lượng kháng thể chênh lệch nhau tới 100 lần, theo Moore.
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng bằng chứng hiện nay cho thấy sự khác biệt về hiệu quả là đáng xem xét thêm, ít nhất đối với nhóm người phản ứng yếu với vaccine như người cao tuổi hay người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)