Nghị sĩ Đài Loan tức giận ném bình nước giữ nhiệt tại quốc hội

08/12/2017 14:42:44

Việc thảo luận dự luật đòi công lý cho các nạn nhân trong vụ thảm sát năm 1947 khiến nghị trường Đài Loan trở nên căng thẳng.

Nghị sĩ Sra Kacaw thuộc Quốc dân đảng đã tức giận ném bình nước giữ nhiệt về phía bục phát biểu và vào các nghị sĩ đảng đối lập tại một phiên thảo luận về dự luật đòi công lý cho các nạn nhân bị thảm sát trong cuộc nổi dậy vào năm 1947 của người Đài Loan phản đối chính quyền, Focus Taiwan đưa tin ngày 7/12.

Nghị sĩ Sra Kacaw có hành vi thiếu kiềm chế sau khi bị một nghị sĩ thuộc đảng đối lập Dân Tiến hỏi "móc máy" rằng liệu đây có phải là "ngày đầu tiên ông làm nghị sĩ" và liệu "ông có thực sự quan tâm tới người Đài Loan bản địa".

Dự luật đòi công lý cho các nạn nhân trong thời kỳ thiết quân luật mà Quốc dân đảng, dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch, áp dụng lên đảo Đài Loan từ năm 1947 đến tận năm 1987 đã được quốc hội Đài Loan thảo luận trong nhiều năm qua.

Và trong phiên họp ngày 5/12, nghị sĩ Sra Kacaw yêu cầu dự luật này cần tính cả giai đoạn 50 năm cai trị của đế quốc Nhật Bản trong Thế chiến II, chứ không chỉ quy kết trách nhiệm cho chính quyền Quốc dân đảng trước kia. 

Giai đoạn thiết quân luật này còn được gọi là thời kỳ "khủng bố trắng" trong lịch sử Đài Loan. Theo một số tài liệu, số nạn nhân thiệt mạng trong cuộc thảm sát năm 1947 có thể lên đến gần 30.000 người.

Vụ việc bắt đầu khi một phụ nữ bán thuốc lá dạo bị cảnh sát khép vào tội buôn lậu và bị đánh chết trên phố. Bất bình với hành vi bạo lực của các nhân viên công quyền, đám đông xung quanh lên tiếng phản đối. Và cảnh sát đã nổ súng bắn chết một người. Việc làm này dẫn đến sự phản kháng của người dân Đài Loan. Để dẹp yên dân chúng, vào ngày 8/3/1947, Quốc dân đảng đã huy động quân đội trấn áp biểu tình và hàng nghìn người đã bị xử tử tại chỗ mà không cần thông qua xét xử.

Sau nhiều nỗ lực vận động, vào ngày 5/12 vừa qua, quốc hội Đài Loan đã thông qua dự luật đòi công lý cho các nạn nhân bị thảm sát. Và lãnh đảo đảng Dân Tiến ca ngợi đây là "cột mốc lịch sử" trong tiến trình đấu tranh dân chủ của Đài Loan. Theo đó, sau khi dự luật có hiệu lực, cơ quan tư pháp sẽ xem xét lại những trường hợp nạn nhân của chính quyền Quốc dân đảng trước kia chưa đòi được công lý. 

Theo An Hồng (VnExpress.net)

Nổi bật