Tại Ả Rập Xê Út, ăn xin đã trở thành ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận, ngay cả những người lười nhác nhất cũng có thể dễ dàng kiếm được một khoản thu nhập đáng kể. Theo truyền thông Ả Rập Xê Út, vào năm 2017 những người ăn xin có thể kiếm được khoảng 700 triệu Riyal (khoảng 4,3 nghìn tỷ VND theo tỷ giá hiện tại) mỗi năm.
Đứng sau ngành này là các băng nhóm tội phạm có tổ chức, chúng lừa đảo hoặc bắt cóc rồi biến phụ nữ, trẻ em, người già trở thành công cụ kiếm tiền.
Không riêng Ả Rập Xê Út, bắt cóc và chăn dắt trẻ em ăn xin là một vấn nạn toàn cầu, đặc biệt là ở Châu Á. Đầu năm 2016, một tờ báo ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) xuất bản một bài viết về cuộc sống của những người ăn xin. Bài báo tiết lộ cuộc sống những đứa trẻ ăn xin là tàn khốc nhất.
Những tội ác công khai giữa thanh thiên bạch nhật
Trung Quốc hiện đang là nơi xảy ra tình trạng bắt cóc trẻ em nhiều nhất trên thế giới, mục đích có thể là bán nạn nhân làm con nuôi hay ép chúng bước vào “lò luyện ăn xin”, trở thành cỗ máy kiếm tiền hiệu quả.
Một số phương tiện truyền thông đưa tin, có hơn 200 nghìn trẻ em Trung Quốc mất tích mỗi năm và tỷ lệ tìm lại được chỉ là 0,1%. Những con số này đã chỉ rõ, một khi đứa bé biến mất thì hy vọng tìm được chỉ giống như mò kim đáy biển.
Thông thường, các băng nhóm bắt cóc và bán trẻ em làm con nuôi chỉ nhắm vào những mục tiêu dưới 3 tuổi. Bởi vì đứa bé dưới 3 tuổi chưa hình thành nhận thức và trí nhớ. Tuy nhiên, với những băng đảng chăn dắt trẻ em ăn xin, đối tượng lý tưởng của chúng là những đứa trẻ trên dưới 10 tuổi. Độ tuổi này rất thích hợp để chúng áp dụng phương thức “thái sinh triệt cát”.
“Thái sinh triệt cát” chính là kiểu ăn xin chuyên nghiệp và tàn nhẫn nhất, ám chỉ phương thức tự tạo ra khiếm khuyết trên cơ thể để tìm kiếm sự thương cảm của người ngoài và khiến họ phải chi tiền giúp đỡ.
“Thái” có nghĩa là thu thập, “sinh” là nguyên liệu thô, trong trường hợp này chính là những đứa trẻ vẫn đang lành lặn, “triệt cát” ám chỉ quá trình hủy đi một bộ phận trên cơ thể. Nói một cách đơn giản hơn, đó chính là hành động tàn nhẫn đánh gãy tay chân, gây mù, gây câm đối với những đứa bé lành lặn, biến chúng trở thành người tàn phế với mục đích ăn xin kiếm tiền.
Một cụ già từng đi ăn xin tiết lộ, kẻ cầm đầu sẽ tra tấn đứa trẻ đến tàn phế sau đó để mặc cho vết thương chảy mủ và viêm nhiễm, càng thê thảm thì càng kiếm được nhiều tiền. Để đề phòng những đứa trẻ này báo cảnh sát hay tìm về với gia đình thì chúng sẽ bị cho uống thuốc ngủ cực mạnh, thậm chí có nạn nhân còn bị đánh đập suốt ngày đêm, cắt lưỡi hoặc bị ép sử dụng thuốc độc làm mất giọng. Cứ như thế, tuổi thọ của những đứa bé này ngày càng rút ngắn dần và khi sức khỏe giảm sút sẽ có thể bị vứt bỏ bất cứ lúc nào.
Tên Vương, người từng thân cận với kẻ đầu sỏ của một băng đảng chăn dắt trẻ em ăn xin ở Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết, mỗi buổi sáng chúng sẽ lái những chiếc xe tải chở những đứa trẻ tàn phế đến các địa điểm đông đúc khắp thành phố, sau đó giám sát chặt chẽ xem chúng làm việc thế nào. Cuối ngày, chúng sẽ cử người đến đón những đứa trẻ đó về nhốt những khu bí mật và tịch thu số tiền xin được.
Những lời nói dối về viễn cảnh ngọt ngào
Vương Hải Anh, một người dân sống tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) kể lại tội ác của một kẻ bắt cóc và ép con gái Chu Thu Nguyệt của bà đi ăn xin, đến hiện tại vẫn chưa gặp lại hay có bất kỳ thông tin nào.
Chu Thu Nguyệt, sinh năm 1998 trong một gia đình nghèo khó. Lúc Chu Thu Nguyệt khoảng 5, 6 tuổi, cô bé đã xin bố mẹ cho theo học lớp xiếc của một giáo viên tên là Chu Pháp Lĩnh, không cần đóng học phí và khi học xong sẽ được giới thiệu vào làm tại rạp xiếc. Ban đầu bà Vương Hải Anh không đồng ý nhưng một thời gian sau cũng chấp nhận.
Đầu năm 2005, Chu Pháp Lĩnh đã giới thiệu 2 học trò Chu Thu Nguyệt và Trương Khải cho một người tên là Địch Tuyết Phong. Nhân lúc bà Vương Hải Anh đi vắng, Địch Tuyết Phong sau đó đã đến tận nhà thuyết phục ông bà nội Chu Thu Nguyệt ký vào hợp đồng diễn viên xiếc với mức lương 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng) một tháng. Và Chu Thu Nguyệt đã bị đưa đi xa theo cách như thế, lúc đó cô bé mới 6 tuổi còn Trương Khải 15 tuổi.
Sau đó, Địch Tuyết Phong đưa 2 đứa bé đến tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) để ăn xin. Họ đi ăn xin từ vùng này sang vùng khác, từ nhà này sang nhà khác. Ngày 20/3/2005, Trương Khải và Chu Thu Nguyệt cùng nhau đi ăn xin nhưng khi trở về, Trương Khải báo Chu Thu Nguyệt đã biến mất.
Bà Vương Hải Anh khi biết tin con mất tích đã vội chạy đến tỉnh Hà Nam, tìm Địch Tuyết Phong hỏi tội. Một tháng sau, tại đồn cảnh sát Địch Tuyết Phong đồng ý bồi thường cho gia đình Chu Thu Nguyệt 13 nghìn NDT (hơn 44 triệu đồng), đồng thời tích cực tìm kiếm tung tích của cô bé. Còn phía gia đình nạn nhân sẽ cam kết không được tìm Địch Tuyết Phong để làm phiền về bất cứ điều gì.
Với thỏa thuận này, Địch Tuyết Phong gần như không bị ảnh hưởng nhiều, vẫn có thể tiếp tục đi tìm và “thuê” người đi ăn xin dưới danh nghĩa diễn viên xiếc. Nhưng với gia đình nạn nhân thì ngược lại hoàn toàn, họ đã rơi vào sự tuyệt vọng tột cùng.
Bà nội Chu Thu Nguyệt đã tự sát vì hối hận đã ký bản hợp đồng kia. Ông nội của nạn nhân sau đó đã trở nên điên loạn, suốt ngày chỉ chửi bới người thân. Thậm chí, người mẹ tội nghiệp Vương Hải Anh cũng bị chính người dân cùng làng chỉ trích: “Họ mắng tôi nghèo hèn đến phát điên mới dám cho người khác ‘thuê’ con gái mình”.
Em trai của Địch Tuyết Phong là Địch Phú Quân cũng có những hoạt động mờ ám tương tự. Một người dân ở thôn Tống Trang, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) từng tố cáo Địch Phú Quân đã đưa con trai và con gái mình đến tỉnh Sơn Đông ăn xin với vỏ bọc diễn viên xiếc nhí.
Tống Hào là một trong những nạn nhân của Địch Phú Quân. Khi Tống Hào tròn 3 tuổi, Địch Phú Quân đã đến tận nhà thuyết phục gia đình cho cậu bé theo mình học xiếc, công việc này có thể giúp gia đình có thêm thu nhập hàng tháng.
Từ lúc rời khỏi nhà, gia đình vẫn giữ liên lạc với Tống Hào thông qua Địch Phú Quân và lần nào Tống Hào cũng trả lời mình đang rất ổn. Mãi đến khi mẹ Tống Hào nghe tin con trai bị đánh đập thậm tệ và ép phải đi ăn xin, thì bà mới đến van xin Địch Phú Quân “trả lại” con cho mình. Trước sự ầm ĩ của người mẹ, tên Địch cuối cùng cũng đồng ý giao ra Tống Hào.
Lúc này đứa bé gần như trở thành con người khác, không nhận ra bố mẹ, mắt sưng và gãy 4 răng cửa, các ngón tay phải băng bó kĩ.
Tìm hiểu thêm mới biết, Địch Phú Quân quy định cho những đứa trẻ mỗi ngày phải xin được 300 NDT (hơn 1 triệu đồng), nếu không đủ sẽ bị đánh. Thậm chí, hắn còn ép Tống Hào 3 tuổi uống một chai bia ngay giữa đường để có thể xin thêm tiền. Có lần vì Tống Hào quá cứng đầu nên Địch Phú Quân đã nhốt cậu bé vào tủ lạnh đến bất tỉnh. Sau đó lại dùng lửa sưởi cho Tống Hào tỉnh lại.
Tuy nhiên, trước lời tố cáo từ gia đình nạn nhân, bí thư thôn lại đưa ra quyết định hòa giải 2 bên, Tống Hào được về với gia đình nhưng vì vi phạm hợp đồng 3 năm nên phải bồi thường cho Địch Phú Quân 4000 NDT (13,6 triệu đồng).
Longdy Chap, sống tại một ngôi làng gần biên giới Campuchia và từng là một đứa trẻ ăn xin trên đường phố Thái Lan. Được biết khi vừa lên 5, Longdy Chap đã không may bị bại liệt, suốt đời phải ngồi trên xe lăn. Khoảng 3 năm sau, một người lạ mặt đã tìm đến nhà Longdy Chap đề nghị một công việc có thể giúp gia đình cậu thoát khỏi cảnh nghèo. Đó chính là đến Thái Lan làm ăn xin.
Người này nói: "Cháu sẽ có nhiều tiền để phụ giúp gia đình, chỉ cần ngồi một chỗ và hỏi thì sẽ có người cho tiền cháu". Vì suy nghĩ không muốn tiếp tục làm gánh nặng cho bố mẹ, Longdy Chap đã đồng ý. Từ đó cậu bé đã lăn lộn khắp đường phố Bangkok, Thái Lan.
Theo Mirror Foundation, một tổ chức từ thiện của Thái Lan chia sẻ, có ít nhất 1000 trẻ em bị chăn dắt ăn xin tại Thái Lan và phần lớn đến từ Campuchia. Những đứa trẻ như Longdy Chap thường xuyên xuất hiện tại cầu vượt dành cho người đi bộ và những con phố mua sắm sầm uất ở thủ đô Bangkok và các thành phố khác của Thái Lan.
Longdy Chap kể lại, nếu một ngày không xin đủ tiền quy định, cậu sẽ bị bỏ đói. Mặc dù chúng nói tất cả số tiền cậu xin được đều gửi về gia đình ở Campuchia nhưng trên thực tế chỉ nhận được 1/3 số tiền đó.
Chăn dắt trẻ em vẫn là một vấn đề nhức nhối của cộng đồng và xã hội
Trên thực tế, vấn nạn này vẫn đang hoành hành tại các nước đã và đang phát triển trên thế giới. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến những chuẩn mực đạo đức và nhân cách con người mà còn làm xấu đi hình ảnh của những thành phố văn minh, hiện đại. Sau tất cả, nạn nhân của vấn nạn này chính là những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ, bị hành hạ một cách đau đớn, bị mất đi nhân quyền và phải sống đau khổ đến suốt cuộc đời.
Hiện tại, vấn nạn này cũng đang được các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đang đấu tranh để ngăn chặn và phòng chống nạn chăn dắt trẻ em. Trong đó, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (20/2/1990).
Theo Hy Li (Pháp luật và bạn đọc)