Rất nhiều nước châu Á đều đang đón Tết âm lịch giống như Việt Nam. Người Việt thì vốn đã quen với bánh chưng, thịt kho, canh măng, dưa hành,... Vậy còn mâm cỗ Tết của các nước bạn thì trông như thế nào?
Trung Quốc
Trung Quốc là đất nước rộng lớn nên mỗi vùng miền sẽ có những phong tục và đặc sản đón Tết riêng. Nhưng dù thế nào thì cũng phải có đĩa sủi cảo, dù là sủi cảo hấp hay rán đều được. Với người Trung, món ăn quen thuộc này chính là lá bùa may mắn, niềm tin vào tương lai tốt đẹp.
Mỗi món ăn trên mâm cơm ngày Tết của người Trung Hoa đều mang ý nghĩa và sự tích khác nhau. Ví dụ như món chè trôi nước biểu đạt ước nguyện gia đình đoàn viên, sum vầy vì có hình tròn đầy đặn. Món cá rán thì phải chế biến nguyên con, từ cá trong tiếng Trung phát âm đồng âm với từ dư thừa, đầy đủ. Hay chả giò rán thì thể hiện sự sung túc, tài lộc vì có hình giống thỏi vàng.
Mỗi món ăn đều mang một ý nghĩa, truyền thuyết thú vị riêng
Hàn Quốc
Ẩm thực xứ kim chi có rất nhiều món ăn đẹp mắt và tinh tế. Mâm cỗ cúng giao thừa và các ngày Tết của người Hàn phải có tới hơn 20 món. Các món ăn tuy có thể vẫn là thức ăn quen thuộc thường ngày như cá, bánh bao, hồng khô, rau củ, bánh cổ truyền,... nhưng phải được chuẩn bị trang trí đẹp mắt, sắp xếp theo một nguyên tắc nhất định.
Ngoài kim chi là đặc sản quốc dân, trong bữa ăn đầu tiên của năm mới phải bắt buộc có canh bánh gạo tteokguk. Món canh này làm từ bánh gạo, nước bò hầm xương và hành hoa, không quá cầu kỳ nhưng được người Hàn yêu thích và coi là dấu hiệu của năm mới.
Canh bánh gạo tteokguk - món ăn phải có đầu năm ở Hàn Quốc
Nhật Bản
Nhật Bản đã chuyển sang đón năm mới vào Tết dương lịch nhưng vào dịp Tết âm lịch, người dân xứ sở hoa anh đào vẫn tổ chức dù không hoành tráng bằng. Thay vì bày thịnh soạn cả mâm, người Nhật ăn và tặng nhau Osechi Ryori.
Trong hộp Osechi Ryori là hàng chục món khác nhau tùy sở thích cá nhân hoặc theo phong tục vùng miền. Điểm chung là chúng đều có màu sắc tươi sáng, bắt mắt. Mỗi một phần Osechi Ryori có nhiều tầng (thường là từ 3 đến 5 tầng).
Để thực hiện xong một hộp các món Osechi mất rất nhiều thời gian, sự tỉ mỉ nên người Nhật cũng hay coi đây là món quà Tết để biểu hiện sự chân thành, tình cảm của mình.
Singapore
Dù ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Trung Hoa, mâm cơm ngày Tết của người Singapore cũng có nhiều điểm riêng đặc sắc. Bữa ăn chuẩn phải có 8 món chính. Trong đó, Phát tài (hay còn gọi Lo Hei, Yuseng) là bắt buộc không thể thiếu. Món này bao gồm cá hồi sống, rau củ thái sợi như đu đủ, khoai môn, bưởi, gừng...
Nhưng cách ăn món Yuseng mới là điều thú vị đặc sắc nhất. Mọi người đều sẽ cầm đũa đảo tung nguyên liệu lên 7 lần và hô to “Lo hei” (cầu may mắn), cầu nguyện điều ước năm mới. Ai tung Yuseng lên càng cao thì sẽ càng may mắn.
Triều Tiên
Văn hóa đón Tết của người Triều Tiên và Hàn Quốc không hoàn toàn giống nhau như nhiều người nhầm tưởng. Ở Triều Tiên, người dân không ăn bánh canh gạo mà ăn bánh songpyeon vào đầu năm mới. Cũng là một loại bánh gạo nhưng đây là đồ ngọt. Bánh được nặn theo hình trăng lưỡi liềm thể hiện quan niệm sống "Trăng khuyết rồi lại tròn" như quy luật cuộc đời vẫn không ngừng xoay vần.
Bhutan
"Đất nước hạnh phúc nhất thế giới" cũng đón năm mới theo lịch âm, gọi là Tết Losar. Mâm cơm Tết ở đây chắc chắn sẽ có nhiều khác biệt với các nước Á Đông kể trên.
Trong ngày đầu tiên của năm mới, người Bhutan sẽ thức dậy sớm và bắt đầu bằng một bữa ăn sáng truyền thống trùng với thời gian mặt trời mọc. Món ăn không quá cầu kỳ, bao gồm chủ yếu là bánh quy chiên, mía thái hạt lựu, gạo lên men, các món hầm, cháo và phô mai, trà,... Món ăn bắt buộc cần có trong năm mới cũng rất đơn giản, đó là chuối xanh và mía. Người dân nơi đây tin rằng chúng sẽ đem lại may mắn và tốt lành.
Theo Chi Chi (Trí Thức Trẻ)