Theo lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Yuri Borisov, máy bay VTOL là phương án cần thiết để thay thế cho các đơn vị máy bay Mig-29 và Su-33 của Hải quân Nga sẽ trở nên lỗi thời trong vài thập niên tới.
Trong quá khứ, Liên Xô từng có những chương trình phát triển máy bay VTOL đầy tham vọng với những giải pháp kỹ thuật chưa từng có tiền lệ như Yak-38, Yak-141. Tuy nhiên, với những giới hạn kỹ thuật ở thời điểm đó, cũng như sự tan rã của Liên Xô, các chương trình phát triển máy bay VTOL đã bị hủy bỏ.
Những chiếc VTOL đầu tiên của thế giới
Khi nhắc tới máy bay VTOL, chiếc Yak-38 được biết tới là một trong những dòng máy bay quân sự đầu tiên áp dụng công nghệ đặc biệt này. Được giới thiệu tại Liên Xô từ năm 1976, Yak-38 nhanh chóng được sản xuất hàng loạt và trang bị trên các tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay thuộc Đồ án 1143: Kiev, Minsk, Novorossysk và Baku.
Tuy nhiên, do các vấn đề kỹ thuật, Yak-38 nổi tiếng với tỷ lệ tai nạn cao. Đánh giá về Yak-38, chuyên gia quân sự Vadim Saranov nhận định, chính vì nguy cơ mất an toàn bay cao, số giờ bay của Yak-38 trên các chiến hạm Liên Xô được hạn chế ở mức 40 giờ/năm.
"Yak-38 gặp quá nhiều vấn đề kỹ thuật và khả năng chiến đấu thiếu tin cậy. Không được trang bị ra-đa trên khoang. Xét về nhiều mặt, nó là dòng máy bay chiến đấu không hiệu quả khi bán kính chiến đấu hoạt động ở chế độ VTOL chỉ khoảng 195km. Con số này còn giảm mạnh nếu Yak-38 hoạt động ở vùng khí hậu ấm", chuyên gia V. Saranov đánh giá.
Chính vì sự thiếu hiệu quả, dây chuyền lắp ráp máy bay Yak-38 bị đóng cửa từ năm 1989. Toàn bộ số máy bay Yak-38 còn lại được Hải quân Nga loại biên trong những năm 1990.
Mặc dù gặp rất nhiều vấn đề kỹ thuật, nhưng Yak-38 chính là tiền đề để Liên Xô phát triển dòng máy bay VTOL có khả năng bay tốc độ siêu thanh đầu tiên trên thế giới Yak-141.
Thiết kế của Yak-141 nhận được đánh giá cao của giới chuyên gia quân sự phương Tây. Tuy nhiên, chương trình phát triển máy bay VTOL được kỳ vọng này đã bị hủy bỏ khi Liên Xô tan rã. Chính vì Yak-141, Tập đoàn Mỹ Lockheed Martin đã đề nghị hợp tác với Tổ hợp thiết kế Yakolev đề hoàn thiện công nghệ VTOL đang theo đuổi.
Chính sau sự kiện này, nhiều chuyên gia đánh giá, Lockheed Martin đã mua công nghệ của Yak-141 với giá khoảng 400 triệu USD để áp dụng trên nguyên mẫu X-35 (máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35) sau này.
Tham vọng về dòng VTOL thế hệ mới
Đánh giá về triển vọng dòng VTOL tương lai của Nga, cả chuyên gia V. Saranov và Đại tá, thuyền trưởng hạng 1 của Hải quân Nga, Konstantin Sivkov chung nhận định, nếu dòng máy bay VTOL được ra mắt, nó không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho cho Hải quân, Quân đội Nga, mà còn cho cả ngành hàng không quân sự thế giới.
"Điểm khác biệt chính là máy bay chiến đấu hiện đại đều cần đường băng cất và hạ cánh dài và hoàn thiện. Nhưng sân bay như vậy rất dễ bị nhận diện và phá hủy ngay từ các đợt tấn công phủ đầu. Máy bay VTOL có thể hoạt động không cần sân bay.
Nó có thể phân tán và xuất phát từ bất kỳ đâu. Máy bay VTOL có thể tạo ra cuộc cách mạng về chiến thuật sử dụng không quân", chuyên gia V. Saranov nhận định.
Trong khi đó, Tổng biên tập Tạp chí công nghệ hàng không Nga Aviaport.ru, Oleg Panteleev đánh giá, dù có nhược điểm về trọng tải cất cánh, nhưng máy bay VTOL có nhiều lợi thế hơn so với máy bay cánh cố định. Việc Nga có thể đưa vào trang bị máy bay VTOL trong tương lai gần có giá trị chiến lược rất lớn.
"Các máy bay chiến đấu truyền thống hiện nay không thể hoạt động trong điều kiện sân bay bị đánh phá và thiếu đường băng dài tối thiểu 500m. Máy bay VTOL không bị giới hạn bởi vấn đề này và việc đưa nó vào trang bị là hoàn toàn hợp lý", ông O. Panteleev cho biết.
Ông O. Panteleev đánh giá, thiết kế đặc biệt của máy bay VTOL cho phép nó có thể cất cánh trên boong tàu tuần dương hạm, thậm chí là không cần chiến hạm chuyên biệt như tàu sân bay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, chương trình phát triển máy bay VTOL mới của Nga cần rút ra những kinh nghiệm xương máu từ chương trình phát triển Máy bay tấn công liên quân (JSF) F-35.
Dù đã tiêu tốn ngân sách quốc phòng của Mỹ tới 1.300 tỷ USD, F-35 vẫn chưa đủ tin cậy để trang bị đại trà. Máy bay VTOL mới của Nga có nhiều điểm tương đồng với phiên bản F-35B STOVL của Mỹ, phiên bản F-35 đang gặp phải một loạt vấn đề kỹ thuật chưa thể giải quyết.
Như vậy, trong tương lai gần, nếu theo đuổi chương trình máy bay VTOL, Nga cũng vấp phải vấn đề như: Tối ưu hóa hệ thống điện tử trên khoang, hệ thống máy tính và khung thân mới và các vấn đề động lực.
"Không giống như Mỹ, ngành Công nghiệp hàng không Nga đang có những lợi thế khi có thể áp dụng nhiều công nghệ đã được thực nghiệm trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57", chuyên gia quân sự V. Saranov nói.
Nga có nhiều lợi thế, khi các công nghệ liên quan tới hệ thống vòi phun động lực phức tạp trên máy bay VTOL đã được thực nghiệm trên máy bay Yak-141. Tuy nhiên, với những yêu cầu của dòng máy bay VTOL mới, công nghệ của máy bay thiết kế trong thập kỷ 1980 vẫn cần được hoàn thiện thêm.
Trong tương lai gần, Bộ Quốc phòng Nga đang có kế hoạch đóng tàu sân bay mới lớp Shtorm và tàu đổ bộ hạng nặng Priboy, chương trình phát triển máy bay VTOL mới sẽ giúp "lấp đầy chỗ trống" trang bị trên những chiến hạm này.
Một điểm đáng chú ý khác là khi máy bay VTOL của Nga xuất hiện sẽ phá vỡ thế độc tôn của Mỹ trong phân khúc vũ khí này với dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35B SVTOL. Mỹ rõ ràng không thấy vui mừng vì trong tương lai sẽ xuất hiện đối thủ cạnh tranh từ Nga trên thị trường vũ khí quốc tế ở lĩnh vực máy bay VTOL.
Với nền tảng công nghệ lõi tốt, giá thành phải chăng hơn (theo truyền thống, trang bị vũ khí nguồn gốc Nga có tính năng tương đương với Mỹ và phương Tây luôn có giá thành rẻ hơn), máy bay VTOL mới của Nga liệu có đánh bại "đàn anh" F-35B vốn đang gặp rất nhiều vấn đề về kỹ thuật và chi phí phát triển?
Theo Tuấn Sơn (Quân Đội Nhân Dân Online)