Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau, LHQ kêu gọi lập vùng phi quân sự

12/08/2022 08:48:18

Ukraine và các quan chức địa phương do Nga bổ nhiệm đã đổ lỗi cho nhau về các cuộc pháo kích mới vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở phía nam Ukraine.

Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau, LHQ kêu gọi lập vùng phi quân sự
Binh sĩ Nga canh gác tại nhà máy Zaporizhzhia. Ảnh: AP

Hãng Reuters đưa tin, công ty điện hạt nhân nhà nước Energoatom của Ukraine cho biết, khu vực nhà máy đã bị tấn công 5 lần trong ngày 11/8, bao gồm cả địa điểm gần nơi cất giữ vật liệu phóng xạ, song không ai bị thương và mức độ phóng xạ vẫn bình thường. 

Trong khi đó, các quan chức địa phương do Nga bổ nhiệm tuyên bố, Ukraine đã nã pháo vào nhà máy lần thứ hai trong vòng một ngày, làm gián đoạn quá trình đổi ca của các công nhân nhà máy. 

Ông Vladimir Rogov, một thành viên của chính quyền vùng do Nga bổ nhiệm, viết trên Telegram rằng ít nhất 3 cuộc tấn công đã xảy ra gần kho lưu trữ đồng vị phóng xạ. 

Reuters cho biết hiện chưa thể xác minh độc lập các thông tin trên. 

Trong vài tuần qua, nhà máy Zaporizhzhia, nằm ở thành phố Energodar đã trở thành mục tiêu của hàng loạt cuộc tấn công. Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau về vụ pháo kích nhà máy này hồi cuối tuần trước. Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngay từ giai đoạn đầu của chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, nhưng nó vẫn do các kỹ thuật viên Ukraine điều hành. 

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 11/8 kêu gọi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cử một phái đoàn tới nhà máy để đánh giá tình hình an toàn của nó càng sớm càng tốt. 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi lập vùng phi quân sự 

Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau, LHQ kêu gọi lập vùng phi quân sự - 1
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: AP

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua kêu gọi Nga và Ukraine chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia giữa lúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp để thảo luận tình hình.

Ông nói: "Tôi kêu gọi các bên rút binh sĩ và thiết bị khỏi nhà máy, kiềm chế việc triển khai thêm lực lượng hoặc thiết bị tới địa điểm này. Cơ sở này không được sử dụng như một phần của bất kỳ chiến dịch quân sự nào. Thay vào đó, cần có thỏa thuận khẩn cấp ở mức độ kỹ thuật về chu vi phi quân sự hóa nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực". 

Mỹ ủng hộ lời kêu gọi thiết lập một khu vực phi quân sự quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, Thứ trưởng phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Mỹ Bonnie Jenkins tuyên bố tại Hội đồng Bảo an. 

Dầu Nga tiếp tục chảy sang Hungary, Slovakia

Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau, LHQ kêu gọi lập vùng phi quân sự - 2

Hãng Al Jazeera dẫn tin từ công ty Naftogaz của Ukraine cho biết, dòng chảy dầu Nga tới Hungary và Slovakia, thông qua Ukraine đã tái thông suốt sau vài ngày trì hoãn vì các vấn đề thanh toán. 

Theo nhà vận hành đường ống JSC Ukrtransnafta thuộc Naftogaz, họ đã nối lại hoạt động sau khi nhận được tiền từ công ty dầu khí MOL của Hungary vào tối 10/8. 

Ukraine đã dừng chuyển dầu của Nga thông qua đường ống Druzhba vào ngày 4/8 do các lệnh trừng phạt của phương Tây ngăn nước này nhận phí trung chuyển từ Moscow. 

Đức ước tính chi phí tái thiết Ukraine

Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau, LHQ kêu gọi lập vùng phi quân sự - 3
Thành phố Kharkiv ở Ukraine. Ảnh: AP

Trong một cuộc họp báo diễn ra ở Berlin hôm qua (11/8), Thủ tướng Đức Olaf Scholz ước tính việc tái xây dựng Ukraine sẽ tiêu tốn nhiều tỷ đô la. Ông Olaf nói, dự án này sẽ tham vọng hơn Kế hoạch Marshall năm 1947 do Mỹ tài trợ để khôi phục châu Âu sau Thế chiến II, vốn tiêu tốn tới 13 tỷ USD (150 tỷ USD theo đơn vị tiền tệ ngày nay). 

Hồi đầu tháng này, Ukraine đã đề nghị các nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho mình hàng trăm tỷ USD để phục vụ các nỗ lực tái thiết.

Kiev đề xuất Liên minh châu Âu viện trợ cho Ukraine hơn 500 tỷ USD. Trước khi yêu cầu trên được đưa ra, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã phát biểu tại một hội nghị của NATO rằng Kiev cần 5 tỷ USD mỗi tháng để bù đắp thâm hụt ngân sách. Nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định sẽ không nhượng lãnh thổ để đổi lấy ngừng bắn và gây áp lực buộc phương Tây cung cấp thêm vũ khí nhằm thay đổi cục diện xung đột. 

Theo Hoài Linh (VietNamNet)

Nổi bật