Cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi trung tuần tháng 7 đã tạo cơ hội mới cho Ankara và Moskva thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao vốn bị gián đoạn sau vụ máy bay ném bom Su-24 của Nga bị bắn hạ ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Không chỉ chính thức xin lỗi Moskva, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan còn dự định sẽ bàn thảo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc đền bù thiệt hại trong cuộc gặp riêng giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 9-8 tới.
Thậm chí, ông Tayyip Erdogan còn tâm sự với Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev trong cuộc gặp giữa hai người ở Ankara hôm 5-8 rằng cả hai nước sẽ bỏ lại quãng thời gian xấu trong quan hệ để quay trở lại với một tình thân giao lúc trước.
Ông Ibrahim Kahn khẳng định, chính quyền Ankara luôn gọi Moskva là đối tác, người bạn quan trọng. Thừa nhận về quãng thời gian lãng phí trong quan hệ hai nước khi để vụ việc bắn rơi máy bay Su-24 làm tổn hại, ông Ibrahim Kahn nói: “Sau nhiều tháng, chính phủ hai nước đã đối thoại và bình thường hóa quan hệ. Hai nhà lãnh đạo đã đi đến một thỏa thuận chung và sẽ cùng nhau kích hoạt lại những hợp tác đã có”.
Cũng theo lời ông Ibrahim Kahn thì trong một tuyên bố trước đó tại cuộc họp nội các, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, tại cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, ông sẽ đưa ra thảo luận hai vấn đề gồm hợp tác kinh tế song phương và cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ hai nước sau vụ máy bay ném bom Su-24 của Nga bị bắn hạ.
Vào ngày 9-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ có cuộc gặp riêng đầu tiên sau 8 tháng. Ảnh: Reuters . |
Ông Tayyip Erdogan cũng nhấn mạnh rằng việc đàm phán với Nga về dự án đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ tiếp tục diễn ra sau khi quan hệ hai nước nồng ấm trở lại. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak trong bài phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya 24 hồi cuối tháng 7 vừa qua cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm đến việc khí đốt được cung cấp trực tiếp, bỏ qua các nước trung chuyển khác.
Vì thế, Moskva và Ankara đang thảo luận về việc xây dựng 2 tuyến đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó đường ống thứ 2 dành cho người tiêu dùng châu Âu. Đối với người tiêu dùng ở phía Tây Nam châu Âu, có thể đặt đường ống dưới biển Đen hoặc được đặt thông qua lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak còn lý giải rằng, việc thực hiện dự án này được cả 2 nước quan tâm bởi giá thành vận chuyển khí gas qua lãnh thổ Ukraine tăng cao.
Dự kiến, mỗi tuyến của đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ có công suất 63 tỷ m³/năm. Các tuyến đường ống dẫn khí sẽ đi qua 660km lộ trình thuộc hành lang cũ của dự án “Dòng chảy phương Nam” và 250km thuộc hành lang mới theo hướng phần lãnh thổ thuộc châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, Ankara và Moskva cũng sẽ sớm thúc đẩy việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu với sự tham gia của Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga.
Nhiều khả năng, phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có một số điều chỉnh về luật để thúc đẩy việc sớm triển khai dự án vì thỏa thuận đã được hai nước ký từ hồi tháng 5 năm 2010. Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu sẽ được xây dựng gần cảng Mersi của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm 4 tổ hợp với công suất 1,2GW mỗi tổ hợp và dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động và năm 2023…
Riêng về vụ bắn hạ máy bay ném bom Su-24, hãng tin RBK của Nga dẫn lời cố vấn Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ nói chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về việc đền bù thiệt hại.
Cũng theo lời ông Yuri Ushakov, việc này sẽ được thảo luận trong cuộc gặp riêng giữa hai Tổng thống, sau đó các Bộ trưởng sẽ tham gia làm việc trực tiếp.
Cho đến nay, sau khi tạo bước đột phá trong quan hệ song phương với Nga bằng lá thư xin lỗi gửi tới Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã ra khôi phục điều tra đối với nghi phạm bắn rơi máy bay ném bom Su-24.
Hôm 19-7, hai phi công bắn hạ chiếc Su-24 đã bị tống giam và Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek đã thừa nhận rằng những phi công này có liên quan đến âm mưu đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau đó, cựu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã thừa nhận ông ra lệnh bắn hạ máy bay ném bom của Nga nhưng lệnh này không chỉ liên quan đến một chiếc máy bay mà là chỉ thị chung cho sự an toàn không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số quan chức khác trong Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang dần nghiêng về giả thuyết mà phía Nga đã đưa ra từ lâu về vụ việc này rằng có một âm mưu nhằm phá hoại quan hệ Ankara-Moskva.
Một trong những lý do khiến người ta càng nghi ngờ là bài báo trên hãng Sputnik dẫn lời của cựu Phó Chủ tịch tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đồng thời là cựu nghị sĩ Quốc hội Đức Willy Wimmer cho rằng, máy bay ném bom Su-24 của Nga đã bị máy báy chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trên bầu trời Syria dưới sự bảo trợ của NATO.
Ông Willy Wimmer nói: “Theo thông tin của tôi, trong sự việc này có một máy bay Mỹ và một máy bay AWACS (máy bay có hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm) của một nước Arab cùng tham gia. Một máy bay như máy bay ném bom của Nga, không thể dễ dàng bắn hạ như vậy”.
Cựu Phó Chủ tịch OSCE Willy Wimmer nhấn mạnh, nguyên nhân của vụ việc là lợi ích chính trị, cụ thể là mong muốn tiêu diệt các mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Theo Phan Hiển (CAND Online)