Phản ứng của châu Âu
Tất cả đều chỉ trích gay gắt hành động của Nga, coi đây là một cuộc tấn công “không thể biện minh”, không thể chấp nhận, vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền của Ukraine, đe dọa an ninh châu Âu.
Nhiều chính trị gia châu Âu coi đây là ngày đen tối của châu Âu và cho rằng không thể tưởng tượng nổi là đến thế kỷ 21 châu Âu vẫn phải đối mặt với một cuộc chiến tranh lớn ngay giữa trung tâm châu lục. Hiện tại, rất nhiều cuộc họp khẩn đang diễn ra, như các cuộc họp an ninh quốc phòng khẩn cấp của chính phủ Pháp, Đức, Anh, cuộc họp các Đại sứ EU, các đại sứ các nước NATO.
Trong ngày 24/2, EU sẽ họp thượng đỉnh khẩn cấp. Nhiều quan chức như ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, hay Ngoại trưởng Anh Liz Truss… đều tuyên bố ngay trong hôm nay EU và Anh sẽ tung ra các gói trừng phạt kinh tế chưa từng có trong lịch sử nhằm vào Nga, cùng với đó sẽ khiến Nga cô lập chưa từng có về mặt ngoại giao.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen khẳng định Nga sẽ phải trả giá. Một động thái đáng chú ý khác, đó là một số nước như Litva hay Ba Lan đã kêu gọi NATO sử dụng điều 4 của Hiệp ước, tức là ngay lập tức tiến hành tham vấn an ninh tập thể nhằm đưa ra phản ứng cứng rắn với Nga. Tại Đức, nước vốn luôn phản đối việc gửi vũ khí cho Ukraine, ông Norbert Rottgen, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Liên bang Đức, lần đầu tiên đề cập đến việc viện trợ vũ khí cho Ukraine. Nhìn chung, các phản ứng quyết liệt từ châu Âu sẽ dần được công bố trong những giờ tới.
Tác động đến khu vực
Ngay trong phiên mở cửa sáng nay (24/2), các chỉ số tại các thị trường chứng khoán lớn tại châu Âu đã đồng loạt sụt giảm. Chỉ số CAC 40 tại Paris giảm 4,19%, chỉ số FTSE ở London sụt 2,55%, chỉ số DAX ở Frankfurt giảm 4,39%. Giá dầu Brent cũng đã lần đầu tiên sau 7 năm vượt mức 100 USD/thùng. Dự báo, thị trường sẽ còn căng thẳng hơn trong các phiên tiếp theo khi chiến sự tại Ukraine leo thang, đồng thời các nước phương Tây công bố các lệnh trừng phạt “lớn chưa từng có” về kinh tế-tài chính nhằm vào Nga.
Có thể nói, hành động quân sự của Nga tại Ukraine đã và đang tạo ra một tình huống căng thẳng chưa từng thấy tại châu Âu, không chỉ về mặt địa chính trị mà còn về kinh tế. Các hậu quả sẽ kéo dài với kinh tế Nga và kinh tế châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng do Nga là đối tác năng lượng lớn nhất của châu Âu, cung cấp trên 40% lượng khí đốt cho châu Âu mà theo tính toán nếu Nga cắt nguồn cung hoặc bị cắt nguồn cung thì châu Âu chỉ còn đủ lượng khí đốt dự trữ trong 6 tuần.
Các tác động lớn hơn khác là về mặt chính trị. Nếu cuộc chiến tổng lực của Nga kéo dài, có thể có hàng triệu người tị nạn Ukraine đổ sang các nước EU như Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia. Hiện các nước này đều đã chuẩn bị sẵn các kịch bản để xây dựng các trại đón tiếp người tị nạn Ukraine ở khu vực biên giới. Tổng thể về lâu dài, cuộc chiến ở Ukraine sẽ thay đổi lớn cục diện an ninh tại châu Âu./.
Theo Quang Dũng (VOV.vn)