Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ dẫn đến tình hình thêm trầm trọng và đây cũng là sự xâm phạm lợi ích của Nga. Điều này buộc Nga phải thực hiện các biện pháp đối phó để đảm bảo an ninh, “cả về mặt chiến thuật và chiến lược".
Ông giải thích rằng, tình hình gia nhập NATO của Phần Lan khác với Ukraine, tuy nhiên, “điều này không thể không ảnh hưởng đến bản chất của quan hệ song phương với những quốc gia trở thành thành viên mới của liên minh. Liên minh này vẫn là một cấu trúc không thân thiện và theo nhiều cách là thù địch với Liên bang Nga”.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Moscow “sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa, cả về quân sự-kỹ thuật và các biện pháp khác để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.
Các bước cụ thể trong việc xây dựng quốc phòng ở biên giới phía tây bắc của Nga sẽ phụ thuộc vào các điều kiện để Phần Lan hội nhập vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương, bao gồm cả việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của NATO và các hệ thống vũ khí tấn công trên lãnh thổ của mình.
Bộ này nhấn mạnh đến thực tế là đường biên giới giữa liên minh và Nga hiện đã tăng gấp đôi (chiều dài biên giới Nga với Phần Lan là 1.300 km). Việc Phần Lan gia nhập NATO không thể không có tác động tiêu cực đến quan hệ song phương Nga-Phần Lan.
Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố tái lập quân khu Moscow và Leningrad. Ông cũng chỉ thị thành lập một quân đoàn mới ở Cộng hòa Karelia, bao gồm ba sư đoàn súng trường cơ giới như một phần của Lực lượng mặt đất và hai sư đoàn tấn công trên không của Lực lượng Dù. Sân bay Levashovo gần St. Petersburg, mở cửa vào tháng 12/2022 sau khi tái thiết, sẽ trở thành căn cứ cho Hàng không Hải quân của Hạm đội Hải quân Nga. Từ Levashovo, máy bay của Hải quân sẽ có thể kiểm soát toàn bộ vùng Baltic, và nếu cần, sẽ được chuyển đến Bán đảo Kola.
Theo một số chuyên gia, Nga có thể đáp trả việc NATO mở rộng bằng cái giá của Phần Lan theo cách bất đối xứng - bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới của mình. Đó là các tên lửa Iskander. Trong trường hợp NATO gây hấn với Nga, Helsinki và các cảng lớn của Phần Lan sẽ trở thành mục tiêu tiềm năng cho các cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân chiến lược của Nga. Các chuyên gia lưu ý, đây không phải là sự lựa chọn của Matxcơva.
Chuyên gia quân sự Aleksei Leonkov cũng cho rằng, việc Phần Lan gia nhập NATO chắc chắn sẽ dẫn đến sự xấu đi trong quan hệ với Nga. Đây là thực tế, mặc dù là một điều đáng tiếc. Theo ông, việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO đã được lên kế hoạch từ lâu, bất kể Nga có tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt hay không. NATO từ lâu đã muốn triển khai các đơn vị tiền phương, hệ thống tên lửa, hệ thống phòng thủ tên lửa và máy bay đánh chặn tại các sân bay của Phần Lan.
Ngoài ra, phương Tây tin rằng, việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào khối Bắc Đại Tây Dương sẽ đóng cửa Vịnh Phần Lan đối với Nga, vì nó sẽ hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát hỏa lực của NATO. Họ cho rằng, giờ đây biển Baltic đã trở thành biển nội địa của NATO.
Ý tưởng chiến lược này đã được thực hiện từ mùa hè năm 2014. Sau đó, các chính trị gia thân Mỹ đã được đưa đến Phần Lan, những người bắt đầu nói với đồng bào của họ về mối đe dọa khủng khiếp từ phương Đông. Đồng thời, tất cả những lời giải thích của Nga rằng, có sự trung lập giữa hai nước, rằng "rìu chiến tranh" đã bị chôn vùi vào năm 1943, đều không được tính đến.
Theo chuyên gia, hiện Nga đang tiến hành đối thoại với phía Thụy Điển về việc nước này không gia nhập NATO. Người Thụy Điển vẫn có thời gian để suy nghĩ và có thể đảo ngược quyết định của họ./.
Theo Anh Tú (Vov.vn)
https://vov.vn/the-gioi/nga-se-dap-tra-nhu-the-nao-truoc-viec-phan-lan-gia-nhap-nato-post1011911.vov