Giáo nhọn và khiên dày trên tàu ngầm Kilo
Hãng thông tấn Nga cho biết, Hải quân Philippines đã đồng ý về một bản ghi nhớ dự thảo, trong đó Nga sẽ hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này xây dựng một hạm đội tàu ngầm, bao gồm cả trợ giúp để phát triển những công nghệ riêng cũng như bán sản phẩm nguyên chiếc.
Một quan chức Hải quân Philippines, Thuyền trưởng Jonathan Zata phát biểu rằng họ đã xem Nga là nhà cung cấp chính, các thành viên của đoàn công tác đã tới thăm một số cơ sở đóng tàu của Nga để làm quen với công việc.
Trước đó trong tháng 7, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ký quyết định phân bổ 5,6 tỷ USD của giai đoạn 2 trong tiến trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang theo thời kỳ 2018 - 2022 liên quan đến việc mua sắm một số phương tiện chiến đấu mới, bao gồm cả tàu ngầm diesel-điện.
Tại thời điểm này, Hải quân Philippines thông báo họ sẽ mua ít nhất 2 tàu ngầm diesel-điện để có thể phối hợp tốt cùng 2 chiến hạm 3.000 tấn HDF-3000 do Hàn Quốc chế tạo theo đơn đặt hàng.
Vào năm 2016, Hải quân Philippines đánh giá cao tàu ngầm Type 212 do công ty Thyssen Krupp Marine Systems của Đức phát triển. Tuy nhiên sau đó,vào đầu năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã bày tỏ sự quan tâm đến "Varshavianka" của Nga.
Philippines thời gian Tổng thống Duterte lên cầm quyền đã có nhiều động thái cho thấy họ xích lại gần hơn về phía Nga và tránh phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí trang bị duy nhất từ phương Tây.
Thương vụ trên giữa Philippines và Nga có chi tiết rất đáng chú ý nằm ở phiên bản tàu ngầm, theo đó Moskva sẽ cung cấp cho Manila biến thể 636.3, đây là chủng loại Kilo mà Hải quân Nga đang sử dụng.
Tuy nhiên, Nga chưa có truyền thống cung cấp vũ khí với tính năng tương đương loại mà mình đang dùng cho một đối tác còn "xa lạ" như Philippines.
Cho nên khả năng rất cao là đến khi chính thức ký kết hợp đồng đóng mới, Philippines sẽ chỉ nhận được phiên bản Kilo 636.1 tương tự như nhiều quốc gia khác mua vũ khí của Nga.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)