Thông tin "Mỹ tổ chức đàm phán với các quan chức hàng đầu của Nga" do báo The Wall Street Journal đăng tải. Theo tờ báo, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã hội đàm với các phụ tá của Tổng thống Nga Vladimir Putin với hy vọng "giảm nguy cơ cuộc chiến ở Ukraine bùng phát hoặc leo thang thành xung đột hạt nhân".
Ngày 7-11, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov phản hồi về thông tin trên: "Chúng tôi không có gì để nói về báo cáo này. Một lần nữa, tôi nhắc lại rằng có một số báo cáo trung thực nhưng phần lớn báo cáo chỉ là suy đoán. Mọi người hãy liên hệ Nhà Trắng hoặc báo The Wall Street Journal để tìm hiểu thông tin".
Ông Peskov nói thêm mặc dù Nga vẫn "để ngỏ" cánh cửa đàm phán song nước này không thể đàm phán với Ukraine do Kiev từ chối tổ chức đàm phán với Moscow.
Reuters cho biết một số cuộc tiếp xúc cấp cao giữa các quan chức Mỹ và Nga đã được công khai trong những tháng gần đây.
Trong một diễn biến khác, Nga ngày 7-11 bác bỏ cáo buộc "can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ" - diễn ra vào ngày 8-11 tới. Phát ngôn viên Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin cho rằng cáo buộc này là "nỗ lực chống chế thất bại tiềm tàng của đảng Dân chủ Mỹ".
“Các cử tri Mỹ không bỏ phiếu cho đảng Dân chủ Mỹ bởi những vấn đề xảy ra là do họ. Họ nên tự chịu trách nhiệm” - ông Volodin nhấn mạnh.
Tuyên bố về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ xuất hiện trong chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton nhằm giải thích lý do tại sao bà thất bại trước đối thủ Donald Trump năm 2016. Bà Clinton khi ấy cáo buộc ông Trump "thông đồng" với Nga để bước chân vào Nhà Trắng.
Tuy nhiên, Nga phủ nhận can thiệp vào chính trị của Mỹ và nói rằng họ đang được sử dụng như cái cớ vô lý trong các cuộc chiến chính trị của Washington.
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)