Những cuộc trao đổi kín hạ nhiệt căng thẳng
Các quan chức Mỹ cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã liên lạc với ông Yuri Ushakov - Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin. Ông Sullivan cũng đã trao đổi với người đồng cấp Nga Nikolai Patrushev. Theo các quan chức Mỹ, mục đích của các cuộc trao đổi này là tránh rủi ro leo thang và để ngỏ các kênh trao đổi song không thảo luận về việc dàn xếp cuộc xung đột ở Ukraine.
Khi được hỏi liệu ông Sullivan có tham gia các cuộc trao đổi kín với các quan chức Nga Ushakov và Patrushev hay không, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết: "Các bên đưa ra rất nhiều nhận định", song từ chối bình luận thêm. Điện Kremlin vẫn chưa bình luận về việc này.
Nhà Trắng không công khai thừa nhận về bất kỳ cuộc trao đổi nào giữa ông Sullivan và các quan chức Nga kể từ tháng 3 khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ trao đổi với ông Patrushev.
Những cuộc thảo luận không công khai diễn ra giữa bối cảnh các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa Washington và Moscow giảm dần trong khi điện Kremlin cảnh báo nước này sẽ sử dụng mọi phương tiện sẵn có, bao gồm cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ và người dân Nga.
Mặc dù ủng hộ Ukraine và áp các biện pháp trừng phạt nặng nề lên Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt nhưng Nhà Trắng cho biết việc duy trì một vài mức độ tiếp xúc với Moscow là điều bắt buộc để đạt được các lợi ích an ninh quốc gia.
Một số quan chức Mỹ cho biết, trong chính quyền Tổng thống Biden, ông Sullivan là người nỗ lực thúc đẩy thiết lập đường dây liên lạc với Nga, thậm chí cả khi các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Nhà Trắng cho rằng những cuộc trao đổi trong môi trường quân sự và ngoại giao hiện nay sẽ không thu về thành quả gì.
Các quan chức không cung cấp chính xác thời gian và số lượng các cuộc điện đàm hay thông tin về việc liệu các cuộc trao đổi trên có đạt được kết quả hay không. Một số cựu quan chức Mỹ cho biết việc Nhà Trắng duy trì liên lạc với điện Kremlin là điều hữu ích khi quan hệ Nga - Mỹ ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
"Tôi nghĩ việc để ngỏ các kênh trao đổi có vai trò quan trọng, đặc biệt với các quốc gia hạt nhân, để hiểu được đối phương nghĩ gì và vì thế tránh được nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu hoặc một cuộc chiến không chủ ý", Ivo Daalder, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama cho hay.
Tổng thống Biden đã tìm cách thúc đẩy quan hệ với Tổng thống Putin trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mà kết quả sau đó là Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ ở Geneva hồi tháng 6/2021. Những cuộc trao đổi này đã đề cập đến vấn đề Ukraine - một khía cạnh thảo luận mà hai bên có những quan điểm khác biệt cùng với các vấn đề khác.
Vào tháng 10/2021, tình báo Mỹ nhận định, quân đội Nga đang chuẩn bị tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Giám đốc CIA William Burns đã được cử tới Moscow vào đầu tháng 11/2021 để cảnh báo Tổng thống Putin về động thái này.
Tổng thống Biden đã trao đổi với Tổng thống Putin 2 lần vào tháng 12/2021 và một lần nữa vào tháng 2/2022 để ngăn chặn chiến dịch quân sự của Nga trong khi các nhà ngoại giao Mỹ thường xuyên trao đổi với những người đồng cấp Nga. Tuy nhiên, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, các cuộc trao đổi giữa hai bên không diễn ra thường xuyên nữa.
Thuyết phục Ukraine công khai thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán
Các quan chức Mỹ cho biết ông Sullivan dẫn đầu nỗ lực trong việc điều phối chính sách của chính quyền Tổng thống Biden và lên kế hoạch phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cũng tham gia vào các hoạt động ngoại giao, trong đó có chuyến thăm Kiev ngày 3/10 để trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov.
Theo đó, ông Sullivan đã trao đổi với giới lãnh đạo Ukraine, hối thúc họ công khai thể hiện thái độ sẵn sàng giải quyết xung đột. Mỹ không thúc đẩy Ukraine ngồi vào bàn đàm phán nhưng muốn Kiev thể hiện cho các nước phương Tây thấy rằng họ đang tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột, vốn đang ảnh hưởng đến giá dầu và giá lương thực thế giới.
Trước đó, Washington Post cũng đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bí mật khuyến khích các nhà lãnh đạo Ukraine thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán với Nga và từ bỏ những tuyên bố công khai từ chối đàm phán với Tổng thống Putin.
Bài báo đánh giá, các cuộc thảo luận trên đã cho thấy tính phức tạp trong lập trường của chính quyền Tổng thống Biden về Ukraine khi các quan chức Mỹ công khai ủng hộ Ukraine với những khoản hỗ trợ "lâu nhất có thể", trong khi lo ngại tác động từ cuộc xung đột này có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới và châm ngòi cho chiến tranh hạt nhân.
Khi Tổng thống Putin và các quan chức Nga cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân hồi tháng 9, ông Sullivan cho biết chính quyền Tổng thống Biden đã "trao đổi cấp cao trực tiếp và kín đáo với điện Kremlin rằng, bất kỳ động thái nào nhằm sử dụng vũ khí hạt nhân đều sẽ khiến Nga đối mặt với những hậu quả thảm khốc". Nhà Trắng từ chối bình luận về nội dung cụ thể của cảnh báo trên.
Thậm chí cả khi mối quan hệ giữa Mỹ và Nga ngày càng xấu đi, Mỹ vẫn tìm cách bảo vệ một số lĩnh vực hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí chiến lược và hợp tác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Washington và Moscow cũng nhất trí tuân thủ Hiệp ước New START, hạn chế các vũ khí hạt nhân tầm xa. Hiệp ước này dự kiến hết hạn vào năm 2026.
Nga và Mỹ đang lên lế hoạch tổ chức cuộc họp của Ủy ban Tham vấn Song phương, được thành lập theo Hiệp ước New START để thảo luận về việc thực hiện hiệp ước này. Mục đích của cuộc họp là thảo luận về việc nối lại các cuộc kiểm tra theo New START đã bị dừng lại khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trong khi Thụy Sĩ thường được chọn là quốc gia chủ nhà tổ chức những cuộc trao đổi như vậy thì Moscow hiện không còn coi Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập bởi giống như các nước châu Âu khác, Thụy Sĩ đã áp lệnh trừng phạt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine./.
Theo Kiều Anh (Vov.vn)