Bài bình luận trên báo Huffington Post nêu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phạm sai lầm nặng khi ra lệnh bắn hạ máy bay Nga ở Syria.
Tổng thống TNK Erdogan |
Trong bài viết bình luận Phải chăng Erdogan đã tự sát chính trị? (Did Erdogan commit political sucide) đăng trên trang Huffington Post, nhà phân tích chính trị Shahir Shadi Saless người Canada gốc Iran chuyên nghiên cứu về chính sách đối nội và đối ngoại của Iran nhận định:
Ông Erdogan đang tuyệt vọng và giận dữ vì không thể lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bashar Assad như ông đã muốn từ năm 2012.
Việc Nga yểm trợ chế độ Assad, lập liên minh với Iran chính là sự thất bại lớn trong các kế hoạch của ông Erdogan.
Ngoài việc Nga đánh khủng bố giúp ông Assad, Nga còn phá kế hoạch lập một vùng cấm bay/vùng đệm ở Syria, khiến ông Erdogan không thể có một địa bàn hoạt động để lật đổ chế độ Assad.
Ông Erdogan tính sai nước cờ chính trị
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) xem vùng cấm bay ở Bayirbucak, nơi chiếc máy bay Nga bị bắn rơi ở tây bắc Syria, là một vùng đệm, do người Turkmens (Syria gốc Thổ) kiểm soát, nhằm chặn các tay súng của cộng đồng Kurd gốc Thổ lấn chiếm lãnh thổ. Các tay súng này bị xem là khủng bố, có quan hệ với đảng Lao động Kurdistan (PKK).
Ý đồ bắn rơi máy bay Nga của ông Erdogan nhằm khiêu khích Nga phản cứng rắn. Ông hy vọng phản ứng này sẽ khiến Nga xung đột với toàn bộ NATO, một liên minh quân sự có thể giúp TNK bảo vệ được họ cuộc nội chiến Syria.
Nhưng ông Erdogan tính toán quá sai. Sau vụ bắn máy bay Nga, TNK đề nghị họp khẩn với các nước thành viên NATO.
Ngược với sự kỳ vọng của ông, NATO dù không ủng hộ Nga nhưng cũng chẳng toàn tâm toàn ý ủng hộ TNK. Nhiều thành viên thắc mắc về hành động của TNK và theo Reuters, họ thắc mắc tại sao TNK không hộ tống máy bay Nga ra khỏi vùng trời nước này.
Như dấu chỉ rõ ràng về việc nhiều thành viên NATO nghi ngờ ý đồ thật đằng sau hành động phiêu lưu của TNK, vài nhà ngoại giao cho Reuters biết: “Luôn có những cách khác để xử lý những sự cố này”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande, người hứa trả thù “không khoan nhượng” sau vụ quân khủng bố tấn công Paris tối 13.11, đã gặp ông Putin và họ đồng ý lập liên minh chống quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria.
Kết quả của liên minh này là nỗ lực “Assad phải ra đi” bị cuộc chiến chống IS phủ lấp, trong khi đó là điều ông Erdogan ghét, đã xảy ra.
Ông càng không thể đạt kế hoạch lôi kéo Nga xung đột với phương Tây khi Anh và rồi Đức quyết định tham gia đánh IS.
TNK cũng mất rất nhiều không gian hoạt động sau vụ bắn rơi máy bay Nga. Hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện đại được Nga triển khai đến căn cứ Hmeymim của họ gần Latakia là tín hiệu mạnh cảnh báo TNK, rằng thực tế là không thể có vùng cấm bay ở phía nam biên giới TNK-Syria.
Nga còn phát thông điệp mạnh mẽ đến NATO và TNK, khi trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung bình cho chiến đấu cơ Su-34 của họ.
Nga cũng công bố nhiều lệnh cấm vận kinh tế chống lại TNK, từ du lịch đến nông sản, các dự án năng lượng và xây dựng.
Ông Erdogan trên một máy bay quân sự TNK |
Ông Putin tận dụng cơ hội cho chiến lược của Nga ở Syria
Sau sự cố, ông Erdogan xuống giọng làm hòa với Nga, thậm chí có ý gặp ông Putin ở Paris ngày 30.11 nhưng bị ông Putin bác.
Nga cũng mở chiến dịch mạnh tấn công uy tín của ông Erdogan. Ông Putin cùng nhiều chính khách Nga cáo buộc TNK tài trợ và hợp tác với IS, hoặc mua dầu do IS bán lậu.
Ông Putin nói có thông tin dầu từ kho của IS ồ ạt vào TNK, và ông có lý do để tin quyết định bắn rơi máy bay Nga, là do TNK muốn bảo vệ tuyến đường chuyển dầu đến các cảng để bơm xuống các tàu chở dầu.
Ông Erdogan tuyên bố sẽ từ chức nếu Nga cung cấp được chứng cứ TNK có mua bán dầu với IS.
Sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói IS chuyển dầu ra nước ngoài, nhất là đến TNK, và chứng cứ sẽ được trình thức lên Liên Hợp Quốc cùng các bên liên quan.
Ngày 2.12, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov nói Nga có dữ liệu ông Erdogan và gia đình dính líu chuyện làm ăn mờ ám, con trai ông Erdogan là lãnh đạo nhiều công ty dầu mỏ, con rể được làm Bộ trưởng Năng lượng TNK. .
Ngày 3.12, ông Putin nói còn có nhiều chứng cứ nữa. Ông nói: “Nếu ai đó nghĩ mình có thể phạm tội ác chiến tranh, giết dân ta rồi bỏ chạy, không bị gì ngoài việc cấm nhập cà chua, cùng vài hạn chế trong mảng xây dựng cùng các lĩnh vực công nghiệp khác, thì họ quá ảo tưởng”.
Cho đến lúc này, xem ra mục tiêu tối thượng của ông Putin là tận dụng cơ hội để gây tổn thất mạnh cho tên tuổi và độ tín nhiệm của ông Erdogan, cả ở nội địa TNK lẫn ở quốc tế.
Theo Vĩnh Thụy (Một Thế Giới)