Nga công bố mới phòng không Việt Nam: Những nguồn cung

11/09/2018 09:19:25

Xin chuyển tới bạn đọc kì cuối trong loạt bài của chuyên gia quân sự Nga Xergey Linnhik về Phòng không Việt Nam.

Tháng 1/2017, Việt Nam bắt đầu tiếp nhận các radar hai tọa độ dải tần decimet (dm) hiện đại hóa VRS-2DM phát triển từ mẫu radar P-19 Xô Viết.

Những radar nói trên chuyên thực hiện nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu trên không ở độ cao thấp và đã được chuyển giao cho các tiểu đoàn tên lửa phòng không S-125.

Nga công bố mới phòng không Việt Nam: Những nguồn cung
Radar P-19 Bộ đội Việt Nam được năng cấp lên chuẩn VRS-2DM

Radar VRS-2DM là sản phẩm hợp tác giữa Công ty Belorus “Tetraedr” và Tập đoàn viễn thông Viettel Mobile của Việt Nam.

Mẫu radar gốc P-19 đảm bảo cung cấp các số liệu về phương vị và khoảng cách đến mục tiêu ở cự ly tối đa 150km, tuy nhiên, các tính năng của radar được hiện đại hóa từ P-19 này (tức VRS-2DM) không được công bố.

Vào thời điểm hiện tại, tại những khu vực quanh các căn cứ không quân (sân bay), đã có một số radar P-37 làm việc cặp đôi với máy đo cao vô tuyến PRV-13 được triển khai.

Chúng được sử dụng chủ yếu để điều hành không lưu và cung cấp dữ liệu khác.

Đồng thời với việc tiếp nhận hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1, phía Việt Nam cũng được chuyển giao 2 radar 36D6 (36Д6) có chức năng chủ yếu là chỉ mục tiêu cho các hệ thống phòng không tầm xa.

Radar này đã tỏ ra rất hiệu quả và được Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao. Tháng 3/2014, tại bến cảng thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã nhận thêm 2 radar 36D6-M (ST68UM) (36Д6-М- СТ68УМ)) sản xuất tại Ucraine.

Nga công bố mới phòng không Việt Nam: Những nguồn cung - 1
Dỡ radar 36D6-M tại cảng thành phố Hồ Chí Minh

Radar ba tọa độ dải tần cm 36D6-M có khả năng phát hiện các mục tiêu trên không độ cao lớn ở cự ly đến 360km.

Việc di chuyển radar được thực hiện bằng xe đầu kéo KrAZ-6322 hoặc KrAZ-6446, - radar 36D6-M có thể được triển khai và thu hồi chỉ trong vòng 30 phút. Radar 36D6-M này do xí nghiệp “Iscra” của Ucraine sản xuất. Cho đến thời điểm hiện tại, radar 36D6-M vẫn đáp ứng được các yêu cầu hiện đại.

Nó có thể được sử dụng độc lập để làm trạm điều hành bay tự động hoặc cùng làm việc với các hệ thống phòng không tự động hóa hiện đại để phát hiện những mục tiêu trên không bay ở độ cao thấp được “phủ nhiễu” chủ động và thụ động.

Ngoài các radar 36D6-M, Bộ đội Việt Nam còn khai thác 4 tổ hợp trinh sát vô tuyến kỹ thuật “Kolchuga” cũng do Ucraine sản xuất. Tổ hợp “Kolchuga” có 3 radar.

Tổ hợp này có thể làm việc ở chế độ thụ động và xác định với độ chính xác rất cao tọa độ của các mục tiêu trên mặt đất và trên biển, tuyến di chuyển của các mục tiêu đó ở cự ly đến 600km, còn đối với các mục tiêu trên không đang bay ở độ cao 10km- cự ly phát hiện đến 800km.

Do phải thanh lý hàng loạt các radar Liên Xô sản xuất đã cũ, Việt Nam rất cần các radar ba tọa độ hiện đại có độ tin cậy và mức độ tự động hóa cao khi làm việc ở các chế độ phát hiện, bám (mục tiêu) và truyền dữ liệu mục tiêu cho người sử dụng.

Các chuyên gia Việt Nam đã hết sức chăm chú theo dõi những sản phẩm mới của nước ngoài trong lĩnh vực radar. Có thông tin là Việt Nam quan tâm đến radar ba tọa độ Rajendra của Ấn Độ.

 Radar Ấn Độ đa năng này có thể được bố trí trên khung gầm xe bánh xích hoặc trên các rơ mooc xe kéo. Theo những thông tin giới thiệu của các phương tiện thông tin đại chúng Ấn Độ thì radar này có những tính năng không thua kém radar Mỹ AN/MPQ-53.

Tuy nhiên, mặc dù đã tích cực tiếp thị trên thị trường thế giới, hiện Ấn Độ chưa ký được hợp đồng cung cấp radar Rajendra nào cho các đối tác nước ngoài.

Sau khi phân tích tất cả các phương án theo tiêu chí “giá cả/hiệu quả”, người Việt Nam đã chọn mua các radar Israel.

Trong năm 2014, Bộ đội phòng không Việt Nam đã tiếp nhận 2 radar ba tọa độ mạng pha EL/M-2288 do Công ty “Israel Aircraft Industries” chế tạo.

Nga công bố mới phòng không Việt Nam: Những nguồn cung - 2
Radar EL/M-2288

Những radar này là một trong những radar hiện đại nhất và có thể sử dụng để điều hành không lưu và cung cấp chỉ thị mục tiêu cho các hệ thống phòng không và hệ thống chống tên lửa.

Cự ly phát hiện tối đa mục tiêu kiểu máy bay tiêm kích MiG-21 đang bay ở độ cao 10.000m lên tới 430km.

Để phát hiện các mục tiêu trên không bay thấp, các lực lượng vũ trang Việt Nam đã mua một số radar EL/M-2106.

Theo một số nguồn tin công khai thì radar ba tọa độ mạng pha này có thể bám đồng thời đến 500 mục tiêu. Radar này có khả năng chống nhiễu tự nhiên và các phương tiện tác chiến điện tử rất tốt.

Nga công bố mới phòng không Việt Nam: Những nguồn cung - 3
Sở chỉ huy cùng radar EL/M-2106NG của tổ hợp tên lửa phòng không Israel SPYDER-SR

Radar đa năng EL/M-2106 của Công ty ELTA (Israel) đảm bảo khả năng phát hiện các mục tiêu lớp “tiêm kích” ở cự ly đến 110km, còn những mục tiêu là các máy bay lên thẳng đang bay treo- đến 40km.

Radar có thể hoạt động độc lập hoặc nằm trong thành phần của tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER-SR.

Để có thể giám sát liên tục tình huống trên không tại Biển Đông và vùng trung tâm (Miền Trung), Việt Nam đã xây dựng một cụm radar cố định lớn trên bán đảo Đà Nẵng (Bán đảo Sơn Trà –ND).

Nga công bố mới phòng không Việt Nam: Những nguồn cung - 4
Cụm radar trên núi Sơn Trà

Trên núi Sơn Trà- núi cao nhất của Đà Nẵng, ở độ cao 690 có 3 đài radar. Việc sử dụng một số radar chống được các tác động tiêu cực của các yếu tố khí tượng như vậy cho phép tăng độ tin cậy khi tiếp nhận các thông tin radar.

Nga công bố mới phòng không Việt Nam: Những nguồn cung - 5
Ảnh vệ tinh Gооglе Еаrth: các trạm radar cố định trên núi Sơn Trà

Có thông tin là tổ hợp radar nói trên bắt đầu hoạt động vào năm 2016. Những thông tin radar nhận được từ các trạm cố định được các cơ quan điều hành sử dụng cho để phục vụ cho cả ngành hàng không dân sự và cho cả hệ thống phòng không Việt Nam.

Mặc dù cụm radar này không được công bố, nhưng có nhiều cơ sở để tin rằng đây là phiên bản cố định của radar ba tọa độ dải tần dm (decimet) Lanza LTR-25 có cự ly phát hiện những mục tiêu tầm cao đến 450km.

Những mục tiêu bay thấp có thể bị các trạm radar này phát hiện ở cự ly 150km. Tốc độ scan (quét) là 6 vòng/phút. Độ cao quan sát thực tế tối đa của Lanza LTR-25 không vượt quá 30,5km.

Cách đây không lâu, các hệ thống điều khiển tự động hóa đã không đáp ứng các yêu cầu hiện đại được coi là một điểm yếu của hệ thống phòng không Việt Nam. Những hệ thống điều khiển tự động ASURK-1ME (АСУРК-1МЭ ) Liên Xô sản xuất hiện có trong trang bị đã vừa lạc hậu vừa cũ.

Có nhiều nguồn tin nói rằng Không quân và Phòng không Việt Nam đang sử dụng các hệ thống điều khiển và trinh sát tự động hóa VQ 98-01, VQ-1М và VQ-2. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tìm hiểu được ai là người thiết kế và những hệ thống đó có những tính năng cụ thể gì.

Xét tổng thể, nếu đánh giá thực trạng hệ thống phòng không Việt Nam hiện nay, có thể nhận định rằng trong trang bị của các đơn vị phòng không Việt Nam, bên cạnh những mẫu (vũ khí- khí tài) rất hiện đại thì vẫn có những mẫu rõ ràng đã lạc hậu.

Các phương tiện tiêu diệt mục tiêu trên không và khí tài của các phân đội vô tuyến kỹ thuật cũng rất đa dạng. Trong trang bị của bộ đội Việt Nam có đủ các mẫu (vũ khí- khí tài) của các nước Phương Tây, Liên Xô và Nga sản xuất.

Trong thập kỷ sắp tới chắc chắn Việt Nam sẽ phải thanh lý toàn bộ các tổ hợp tên lửa phòng không cố định do Liên Xô chế tạo, và không những chỉ có các tổ hợp tên lửa phòng không đã trở thành “hiện vật quý hiếm” là S-75M3, mà cả các S-125 được hiện đại hóa.

Bởi vì khai thác những phương tiện kỹ thuật phức tạp có tuổi đời nửa thế kỷ trong điều kiện khi hậu nhiệt đới là một giải pháp không thực tế. Do phải loại biên những tổ hợp tên lửa phòng không và radar đã quá hạn sử dụng từ lâu, ngay trong thời gian trước mắt Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề mua sắm các hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa của nước ngoài.

Xuất phát từ tiêu chí “giá cả/hiệu quả” thì phương án tối ưu đối với Việt Nam là hệ thống tên lửa phòng không Nga S-400.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây Việt Nam đang thực hiện chính sách đa phương hóa nhập khẩu vũ khí- phương tiện kỹ thuật quân sự và vì thế mà trong danh sách những nhà sản xuất tiềm năng cung cấp các hệ thống phòng không tầm xa (cho Việt Nam) còn có thể có Tập đoàn Thales Group của Châu Âu và Tập đoàn Raytheon Mỹ với các tổ hợp tên lửa phòng không SAMP-T và Patriot РАС-3.

Đối với không quân tiêm kích cũng vậy, để đối đầu với mối đe dọa quân sự ngày càng mạnh từ bên ngoài, Bộ đội phòng không- không quân Việt Nam sau khi thanh lý MiG-21 rất cần những máy bay tiêm kích hạng nhẹ hiện đại nhưng giá cả vừa phải và trong trường hợp này thì Nga không có gì để chào hàng Việt Nam.

Nước ta (Nga) tương đối có lợi thế trong phân khúc các tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần và tầm ngắn. Các biến thể hiện đại của các tổ hợp cơ động dòng “Tor” và “Buk” hoàn toàn có khả năng làm các quân nhân Việt Nam quan tâm.

Tuy nhiên, việc mua sắm loại vũ khí này hoặc loại vũ khí khác còn liên quan đến nhiều yếu tố bên ngoài nữa.

Theo Lê Hùng-Nguyễn Hoàng (Đất Việt)

Nổi bật