Trong một khoảng thời gian dài, các nhiệm vụ đánh chặn mục tiêu trên không được (Bộ Tư lênh không quân) giao cho các máy bay tiêm kích MiG-21 nhiều biến thể khác nhau.
Đến năm 2017, theo các số liệu chính thức thì trong trang bị của Không quân Việt Nam có 25 máy bay MiG-21bis và 8 máy bay hai chỗ MiG-21UM.
Nhưng nếu xét theo nhiều yếu tố thì những máy bay này sẽ được thanh lý trong thời gian ngắn sắp tới và hơn nửa thế kỷ phục vụ của MiG-21tại Việt Nam sẽ chấm dứt.
Trong những năm 80, phía Xô Viết đã tính toán kỹ phương án triển khai tại khu vục cảng hải quân (căn cứ hải quân) Cam Ranh các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-200V.
Tuy nhiên, kế hoạch trên đã không được thực hiện vì nhiều lý do và nhiệm vụ phòng không bảo vệ căn cứ này được phân công cho các tổ hợp tên lửa phòng không S-75M3 và S-125M1, các máy máy đánh chặn MiG-23MLD do phi công Xô Viết trực tiếp điều khiển.
Tổng cộng Liên Xô đã điều đến Việt Nam 12 máy bay đánh chặn MiG-23MLD và 2 chiếc MiG-23UB (2 chữ UB- máy bay tác chiến- huấn luyện-ND). Tất cả những máy bay trên đều biên chế cho Trung đoàn không quân hỗn hợp số 165 đóng quân tại Cam Ranh.
Từ giữa những năm 80, trong khuôn khổ thỏa thuận song phương về việc (Việt Nam) cho phép (Liên Xô) sử dụng miễn phí cảng Cam Ranh làm điểm đảm bảo vật chất- kỹ thuật cho Hải quân Liên Xô, Liên Xô đã xây dựng tại cảng này một căn cứ quân sự Xô Viết lớn nhất tại nước ngoài.
Các chuyên gia Xô Viết đã cải tạo và hiện đại hóa sân bay và những cầu cảng được người Mỹ xây dựng trong những năm chiến tranh, xây dựng thêm các công trình đảm bảo vật chất- kỹ thuật, một trạm trinh sát vô tuyến- kỹ thuật, một trạm radar.
Các máy bay tiêm kích Xô Viết rời Việt Nam vào khoảng năm 1989, và vào ngày 17/10/2001, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chấm dứt hoạt động của căn cứ Nga tại Cam Ranh.
Lý do được đưa ra là do ngân sách Nga phải chi gần 1 triệu đôla để duy trì căn cứ tại Việt Nam (không hiểu tác giả có nhầm số liệu không và con số 1 triệu đôla là chi phí hàng năm hay tổng chi phí- ND). Trong khi đó thì nước ta (Nga) lại phung phí các khoản cho vay tín dụng không hoàn lại và đầu tư một khoản tiền đáng kể vào thị trường chứng khoán Mỹ.
Sau khi Chính quyền Nam Việt Nam sụp đổ, Bộ đội Bắc Việt đã thu được 134 máy bay tiêm kích F-5 ((87 chiếc F-5A và 47 chiếc F-5E). Tháng 7/1975, Bộ tư lệnh Không quân Việt Nam đã quyết định thành lập Trung đoàn không quân tiêm kích số 935 sử dụng các phương tiện kỹ thuật hàng không do Mỹ sản xuất.
Đến giữa những năm 1980 Không quân Việt Nam khai thác 30 chiếc F-5E chiến lợi phẩm, số còn lại được tháo dỡ để lấy phụ tùng, linh kiện thay thế cho những chiếc đang khai thác (sử dụng).
Mặc dù tốc độ tối đa của “Tiger-2” (F-5E) Mỹ thua máy bay tiêm kích MiG-21, nhưng Tiger-2 được trang bị radar rất hiện đại vào thời điểm đó là AN/APQ-159 với cự ly phát hiện mục tiêu đến 37km.
Sau khi F-5E được loại biên, những máy bay F-5E còn có thể bay đã được bán cho các nhà sưu tầm Mỹ, Anh và New Zealand vào đầu những năm 1990.
Năm 1994, Việt Nam đặt mua của КnААPO(Nhà máy sản xuất máy bay Komsomolsk-na-Amure mang tên Yu. A. Gagarin-ND) 5 chiếc tiêm kích Su-27SK (Су-27СК) và 1 chiếc máy bay chiến đấu- huấn luyện (hai chỗ) Su-27UBK.
Hợp đồng trị giá 200 triệu đôla đã bao gồm cả khoản chi phí đào tạo phi công tiêm kích và nhân viên kỹ thuật mặt đất, cung cấp vũ khí hàng không.
Tháng 12/1996, ngoài 6 chiếc máy bay tiêm kích thế hệ bốn đầu tiên theo hợp đồng nói trên, Việt Nam còn mua thêm lô máy bay tiêm kích mới gồm 4 chiếc Su-27SK và 2 chiếc Su-27UBK.
Vào cuối những năm 90, sau khi Nga bán cho Trung Quốc các máy bay tiêm kích Su- 30МКК/МК2 (Су-30МКК/МК2 ), Việt Nam cũng quan tâm đến kiểu máy bay tiêm kích đa năng hạng nặng này.
Sau khi các máy bay Su- 30МКК/МК2 đã được phía Nga đồng ý cải tiến theo đúng yêu cầu của Việt Nam, vào tháng 12/2003 hai bên đã ký hợp đồng đầu tiên trị giá 100 triệu đôla về việc Nga cung cấp cho Việt Nam 4 chiếc Su-30MK2.
Các máy bay nói trên đã được chuyển giao cho bên đặt hàng 11 tháng sau đó. Còn theo các hợp đồng ký trong các năm 2009 và 2013, Việt Nam nhận thêm 32 chiếc Su-30MK2 nữa. Tổng giá trị các hợp đồng bao gồm cả (cung cấp) máy bay, vũ khí, các trang thiết bị mặt đất là hơn 1 tỷ đôla.
Căn cứ theo những ảnh chụp vệ tinh có được, có thể thấy cường độ bay của các Su-27SK/UBK và Su-30MK2 là không cao.
Theo số liệu của SIPRI thì đến năm 2017 Không quân (Bộ đội phòng không không quân) Việt Nam có trong trang bị 11 chiếc Su-27SK/UBK và 35 chiếc Su-30MK2.
Một chiếc Su-30MK2 đã gặp nạn trong khi bay huấn luyện trên Biển Đông) tháng 6/2016.
Trong một khoảng thời gian tương đối dài, Bộ đội vô tuyến kỹ thuật Phòng không Việt Nam được trang bị các radar và máy đo xa do Liên Xô sản xuất.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì các radar P-12, P-14, P-15, P-30, P-35 (П-12, П-14, П-15,П-30, П-35 ) và các máy đo xa PRV-10 và PRV-11 (ПРВ-10 và ПРВ-11) đã hết hạn sử dụng và đã được thanh lý.
Hiện nay tại Việt Nam có hơn 25 đài radar trực chiến. Tổng cộng trong biên chế Bộ đội radar Việt Nam có hơn 80 radar quan sát, máy đo cao và đài trinh sát vô tuyến đang làm việc ở chế độ thụ động.
Kiểu radar có số lượng nhiều nhất là radar hai tọa độ cơ động dải tần mét P-18. Tất cả các thiết bị radar được lắp trên hai xe”Ural-375”.
Trên một xe có thiết bị vô tuyến điện tử và vị trí làm việc của các sỹ quan điều khiển (trắc thủ), còn trên xe thứ hai- các thiết bị và cột ăngten.
Đến năm 2016, Quân đội Việt Nam có 24 radar P-18. Do chúng đã lạc hậu và hao mòn nhiều nên Việt Nam đã ký một hợp đồng với Công ty Belorus là “Tetraedr” để cùng khôi phục và hiện đại hóa lên chuẩn P-18BM (TRS-2D).
Theo Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (Đất Việt)