Chính phủ Nga đã chính thức phê duyệt danh sách 31 quốc gia “thân thiện” và trung lập, trong bối cảnh cuộc chiến trừng phạt với phương Tây tiếp tục diễn ra ác liệt, trang bne IntelliNews đưa tin hôm 24/9.
Theo trang tin tức có trụ sở tại Đức, các ngân hàng và nhà môi giới của các nước có tên trong danh sách, được Điện Kremlin đánh giá là “thân thiện”, sẽ được cấp quyền giao dịch trên thị trường ngoại hối và thị trường chứng khoán phái sinh của Nga.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, Moscow đã tích cực làm việc để mở rộng sự tiếp cận của các quốc gia “thân thiện” với cơ sở hạ tầng tài chính của mình trong bối cảnh Nga phần lớn bị “cấm cửa” khỏi các hệ thống của phương Tây.
Sắc lệnh trên – có tầm quan trọng trong thế giới tài chính quốc tế – đã được Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký và hiện được công bố rộng rãi trên trang web chính thức của Chính phủ Nga.
“Quyết định này nhằm nâng cao hiệu quả của cơ chế chuyển đổi trực tiếp đồng tiền quốc gia của các nước thân thiện và trung lập, đồng thời hình thành tỉ giá trực tiếp với đồng rúp để đáp ứng nhu cầu thanh toán bằng đồng nội tệ của nền kinh tế Nga”, Chính phủ Nga cho biết.
Danh sách các nước thân thiện và trung lập bao gồm nhiều nhóm quốc gia khác nhau, trong đó có cả các đồng minh truyền thống và các quốc gia có lập trường trung lập đối với Nga cũng như những quốc gia đã tránh tham gia chế độ trừng phạt quốc tế và đang tích cực đóng vai trò trung gian để cho phép Nga mua hàng hóa bị trừng phạt trên thị trường quốc tế.
Trong số các quốc gia có các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, những nước nằm trong tầm ảnh hưởng của Moscow vì họ vẫn phụ thuộc vào Nga về kinh tế.
Các quốc gia châu Phi cũng chiếm phần nổi bật trọng danh sách, bao gồm Algeria, Maroc và Nam Phi. Điện Kremlin đang tích cực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với “lục địa đen”. Các quốc gia châu Phi đang tìm đến Moscow để tìm kiếm nguồn cung kim loại, khoáng sản, ngũ cốc, dầu mỏ, công nghệ hạt nhân và vũ khí.
Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Châu Phi lần thứ hai, diễn ra ở St. Petersburg hồi cuối tháng 7, thậm chí còn thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia hơn so với hội nghị lần đầu tiên vào năm 2019, bất chấp áp lực từ phương Tây nhằm cô lập Nga.
Moscow đã có những bước tiến lớn trong việc xây dựng sự ủng hộ của người châu Phi, trong khi những nỗ lực tương tự của phương Tây đang gặp khó khăn.
Nga cũng đã mở rộng thành công ảnh hưởng của mình ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông trong khuôn khổ dự án BRICS+, cũng như thắt chặt quan hệ với các nhà sản xuất dầu lớn khác trên thế giới.
Nhóm BRICS, sau khi mở rộng với 6 thành viên mới, sẽ kiểm soát khoảng 2/3 sản lượng dầu toàn cầu, và thương mại nội khối BRICS đang phát triển mạnh khi Nga thay thế các đối tác thương mại cũ bằng các đối tác từ Nam Bán cầu.
Các quốc gia BRICS hàng đầu như Ấn Độ và Trung Quốc cũng có tên trong danh sách các nước “thân thiện” do Chính phủ Nga lập.
Theo Minh Đức (Nguoiduatin.vn)