Theo giới chức lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga không chỉ bán mà còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ chế tạo tên lửa S-400 cho nước này.
Giáo sư Mesut Hakki Chashin, Khoa Quan hệ Quốc tế của Học viện Không quân và trường Đại học Özyeğin ở Istanbul, cựu sĩ quan Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Nga không chỉ bán các hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho nước này mà còn chia sẻ cả công nghệ chế tạo.
Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-400. Có nó, hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia sẽ bảo vệ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hiệu quả hơn, ngay cả trong trường hợp đối phương sở hữu các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Vị Giáo sư này cho rằng, rất có thể Moscow và Ankara đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về việc cung cấp các hệ thống S-400 Triumph cho Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như về hợp tác sản xuất chúng trên lãnh thổ nước này. Hiện hai bên chỉ còn chốt những điều khoản cuối cùng.
Nếu thương vụ này thành công, đây sẽ là một bước đi mới tiến đến sự hợp tác mẫu mực tuyệt vời giữa Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO - và Nga, mở ra giai đoạn hợp tác thực chất trong quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, tờ Cumhuriyet của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết rằng, trong mấy ngày qua, giữa các nước thành viên NATO đang nổi lên quan điểm chiếm ưu thế cho rằng, cuộc đàm phán giữa Moscow với Ankara về hệ thống phòng không S-400 không chỉ là một "cuộc thương thảo thị trường".
Theo đó, các chuyên gia quân sự của khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tin rằng, Nga sẽ không mạo hiểm mà chuyển giao các hệ thống S-400 cùng với công nghệ chế tạo của mình cho Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia nằm trong khối NATO.
"Nói chung, đối với tất cả các đối tác và đồng minh mà NATO đang làm việc, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi luôn quan tâm đến những gì họ đang mua. Chúng tôi muốn họ mua những gì có thể góp phần đóng góp cho liên minh của chúng tôi.
Nếu điều này không xảy ra, thì sẽ gây ra mối quan ngại rằng những khoản mua hàng này sẽ không góp phần vào sự tương thích của chúng tôi” - ấn phẩm trích lời phát ngôn viên chính thức của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
|
Thương vụ mua sắm S-400 giữa Nga và Thổ đã gây ra rất nhiều tranh cãi |
Các nước NATO tin tưởng rằng, cuối cùng thì Nga sẽ không bàn giao tổ hợp S-400 với công nghệ này cho chính quyền Ankara, bởi xét cho cùng, Moscow biết rằng, trước sau gì thì những công nghệ này cũng sẽ bị liên minh này nắm lấy để sử dụng chống lại Nga.
Một nhà ngoại giao cấp cao của một nước phương Tây trong một cuộc trò chuyện với Cumhuriyet nói rằng, Moscow cũng thừa biết điều đó, bởi vậy, Moscow thương thảo với Thổ Nhĩ Kỳ về S-400 cũng chỉ nhằm mục đích tạo ra “vết rạn nứt” trong Liên minh NATO.
Ý kiến của vị quan chức phương Tây cũng là một vấn đề đáng lưu ý, bởi trong thời gian qua cũng có không ít những e ngại từ các chuyên gia Nga đối với hợp đồng mua sắm S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thời gian qua, một số quan chức quốc phòng Nga bày tỏ sự hài lòng vào sự hợp tác giữa hai nước, trong bối cảnh quan hệ giữa Ankara và Washington đang nguội lạnh và quan hệ với Moscow đang ngày càng nồng ấm. Do đó, có thể tin tưởng vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Họ cho rằng, rút kinh nghiệm từ những vố đau trong các hợp đồng bán vũ khí-trang bị cho Trung Quốc, sau đó bị nước này làm nhái hàng loạt; Nga sẽ đưa ra những điều kiện với Thổ Nhĩ Kỳ, bên cạnh đó còn áp dụng những biện pháp bảo vệ bí mật công nghệ. Do đó, có thể tiết lộ cho Ankara một phần công nghệ không phải thuộc dạng tối mật.
Mặc dù các chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và một số quan chức Nga bày tỏ sự hào hứng với thương vụ hợp tác S-400 giữa Moscow và Ankara, nhưng một số chuyên gia quân sự nước ngoài và một số chuyên gia Nga đang đưa ra những lo ngại về hợp đồng này.
Họ cho rằng, Moscow có thể bán các hệ thống phòng không S-400 nhưng không nên chia sẻ những công nghệ tối mật cho Ankara, bởi dù có bảo vệ thế nào thì Nga cũng sẽ phải chia sẻ những công nghệ nhất định để Thổ Nhĩ Kỳ tự sản xuất các yếu tố cấu thành hệ thống S-400.
Dù quan hệ giữa hai nước có tốt đẹp đến đâu thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng vẫn quốc gia NATO, hơn nữa đường lối đối ngoại của nước này rất khó lường và không đáng tin cậy, mà ví dụ điển hình là vụ Su-24, nên việc để nước này nắm được những kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất của Nga là điều không nên.
Mặc dù có thể chính quyền Erdogan không có ý tiết lộ những bí mật quân sự của Nga nhưng họ không thể quản lý nổi giới sĩ quan mà rất nhiều người trong số họ làm việc cho NATO. Do đó, trước sau gì công nghệ đỉnh cao của Nga cũng sẽ lọt vào tay giới tình báo phương Tây, mà điều này sẽ khiến hệ thống phòng không quốc gia của Nga dễ dàng bị xuyên thủng.
Theo Nhật Nam (Đất Việt)