"Kreminna đã nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga. Họ đã vào được thành phố. Quân phòng thủ của chúng tôi buộc phải rút lui, nhưng họ vẫn phòng thủ ở vị trí mới và tiếp tục chiến đấu với quân Nga", Serhiy Gaidai, Thống đốc tỉnh Luhansk, cho biết trong cuộc họp báo hôm nay (19/4).
Thống đốc Gaidai cũng cho biết, ước tính khoảng 200 dân thường đã thiệt mạng sau các cuộc giao tranh tại Kreminna, nhưng con số trên thực tế có thể còn lớn hơn.
Kreminna, thành phố với tổng dân số gần 20.000 người trước thời điểm chiến sự, nằm cách Kramatorsk - trung tâm hành chính của tỉnh Luhansk, khoảng 50km về phía đông bắc, và là mục tiêu chiến lược của các lực lượng Nga. Thành phố này, cùng với các thành phố Rubizhne, Severodonetsk và Lysychansk lân cận, đã phải hứng chịu các đợt pháo kích lớn từ cả hai phía trong nhiều ngày qua.
Cũng trong ngày 19/4, Bộ Quốc phòng Nga đã kêu gọi Ukraine "ngay lập tức hạ vũ khí" và đưa ra tối hậu thư mới cho lực lượng đang cố thủ tại thành phố cảng Mariupol.
Cơ quan này yêu cầu chính phủ Kiev "đưa ra mệnh lệnh tương ứng" cho lực lượng Ukraine tại Mariupol để họ ngừng phản kháng vô nghĩa", đồng thời khẳng định các lực lượng này sẽ được "đảm bảo sống sót" nếu hạ vũ khí bắt đầu từ trưa 19/4 (giờ địa phương).
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, các lực lượng nước này đã tiến hành hàng chục cuộc không kích ở miền đông Ukraine trong đêm 18 - rạng sáng 19/4. Theo đó, tên lửa đối không chính xác cao của Nga đã bắn trúng 13 vị trí của Ukraine ở vùng Donbass, bao gồm cả thị trấn trọng yếu Slovyansk. Trong khi đó, các cuộc không kích khác đã "bắn trúng 60 mục tiêu quân sự của Ukraine", gồm cả các mục tiêu ở những thị trấn gần tiền tuyến phía đông.
Quân đội Nga cũng đã phá hủy 2 kho chứa đầu đạn của tên lửa chiến thuật Tochka-U ở Chervona Polyana thuộc tỉnh Lugansk và Balakliia thuộc tỉnh Kharkiv. Tổng cộng 1.260 mục tiêu quân sự của Ukraine đã bị tên lửa và pháo tấn công trong đêm, theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói đang 'giải phóng' miền đông Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm nay (19/4) tuyên bố Moscow đang tìm cách “giải phóng” miền đông Ukraine, đồng thời cáo buộc phương Tây kéo dài chiến dịch quân sự với các khoản viện trợ vũ khí.
“Chúng tôi đang dần dần thực thi kế hoạch giải phóng Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk. Chúng tôi đang có biện pháp để khôi phục cuộc sống hòa bình”, Bộ trưởng Shoigu nói với các chỉ huy quân đội Nga trong cuộc họp được lên sóng truyền hình.
“Mỹ và các nước phương Tây nằm dưới quyền kiểm soát của Washington đang làm mọi thứ để trì hoãn chiến dịch quân sự trong thời gian dài nhất có thể”, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga khẳng định. “Khối lượng viện trợ vũ khí nước ngoài ngày một tăng thể hiện họ có ý định khiêu khích chính quyền Kiev chiến đấu tới người Ukraine cuối cùng”.
Hy Lạp tịch thu tàu chở dầu Nga
Lực lượng tuần duyên Hy Lạp hôm nay (19/4) cho biết đã bắt giữ tàu chở dầu Pegas mang cờ Nga, theo các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
"Tàu chở dầu đã bị tịch thu trong ngày 15/4 dưới các lệnh trừng phạt của EU. Có 19 người Nga trên tàu", người phát ngôn lực lượng tuần duyên Hy Lạp cho biết, theo hãng thông tấn TASS.
Người phát ngôn này cũng khẳng định lô hàng trên tàu sẽ không bị tịch thu, nhưng không đưa ra chi tiết về thời điểm vận chuyển các lô hàng sang tàu chở dầu khác.
Truyền thông Hy Lạp trước đó đưa tin, tàu Pegas đã gặp sự cố động cơ và được một tàu kéo hộ tống về phía bán đảo Peloponnese, nhưng thời tiết xấu khiến tàu buộc phải neo đậu tại Karystos. Theo trang web Marine Traffic, tàu Pegas có trọng tải hơn 115.000 tấn và đang trên đường tới kho dự trữ Marmara ở Thổ Nhĩ Kỳ trước thời điểm gặp sự cố.
Đầu tháng 4, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm các tàu Nga cập cảng 27 nước thành viên, trừ một số trường hợp đặc biệt, sau khi khối thông qua vòng trừng phạt thứ 5 để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine.
Máy bay chở đoàn ngoại giao Nga bị trục xuất phải bay vòng hơn 15.000km
Theo báo Guardian, hôm 18/4, Nga đã cử một máy bay tới đón các nhà ngoại giao của nước này bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha, sau đó tiếp tục đón nhà ngoại giao ở Hy Lạp về nước. Tuy nhiên, do lệnh cấm sử dụng không phận của EU, máy bay này buộc phải bay vòng trên quãng đường dài tới hơn 15.000km.
Cụ thể, máy bay ban đầu khởi hành từ Moscow tới Tây Ban Nha. Quãng bay này thông thường chỉ dài 3.409km, song máy bay Nga phải đi vòng 7.086km vì luôn phải duy trì hướng đi trong không phận quốc tế.
Sau khi đón các nhà ngoại giao ở Tây Ban Nha, máy bay khởi hành từ Madrid, vòng qua Bắc Phi và bờ biển Địa Trung Hải để tránh không phận của Malta và Italia. Sau khi băng qua Libya để đến Ai Cập, chuyến bay của Nga chuyển hướng về phía bắc để tới Athens (Hy Lạp). Hành trình này khiến máy bay Nga phải di chuyển quãng đường 3.729km, so với hướng đi thông thường chỉ dài 2.383km.
Khi từ Athens quay về Nga, máy bay chủ yếu đi qua không phận của các quốc gia "thân thiện" với Nga, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, song vẫn phải bay vòng 4.348km thay vì quãng đường 2.203 km thông thường. Sau khi ra khỏi không phận Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay cũng phải tránh khu vực không phận Nga gần Ukraine.
Theo dữ liệu của FlightRadar, tổng chiều dài của các chuyến bay này là 15.163km, nghĩa là gần bằng quãng đường bay dài nhất thế giới hiện nay từ Singapore tới New York (Mỹ).
Theo Việt Anh (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/nga-chiem-them-thanh-pho-phia-dong-ukraine-keu-goi-kiev-ha-vu-khi-2011047.html