Theo đài NBC News, thỏa thuận trên là sự bác bỏ hiển nhiên đối với lời mời Nga tham gia dự án Artemis mà Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) gửi đi trước đây.
Dự án Artemis vạch mục tiêu đưa người quay trở lại mặt trăng vào năm 2024, trong đó có người phụ nữ đầu tiên đáp xuống vệ tinh của Trái đất này. Với sự tham gia của các đối tác quốc tế, dự án Artemis cũng muốn khám phá bề mặt mặt trăng thấu đáo hơn.
"Với họ, dự án này không mang tầm quốc tế mà chỉ tương tự NATO. Chúng tôi không hứng thú tham gia" - ông Dmitry Rogozin, Tổng Giám đốc Roscosmos, mỉa mai vào năm ngoái.
Những trục trặc sau 1/4 thế kỷ hợp tác về vũ trụ - đỉnh cao là cùng xây dựng và điều hành Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) - cho thấy quan hệ Nga - Mỹ nói chung còn nhiều trắc trở.
Ông Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Moscow dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận định một thực tế không cần tranh cãi là Nga ngày càng phát triển quan hệ chiến lược với Trung Quốc, qua đó chứng tỏ hướng tiếp cận của phương Tây với Moscow trong 20 năm qua không đạt kết quả mong muốn.
Theo ông McFaul, với vị thế nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới (có GDP bình quân đầu người cao hơn Trung Quốc), Nga không chỉ nâng cấp vũ khí hạt nhân lẫn vũ khí quy ước mà còn đầu tư lớn vào mảng vũ khí vũ trụ, tình báo và năng lực mạng.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden không được lặp lại sai lầm của các chính quyền tiền nhiệm - đó là đánh giá thấp Nga hay quá tập trung vào Trung Quốc.
Theo Hải Ngọc (Nld.com.vn)